Sự kiện lùm xùm nhất trong ngành CNTT - viễn thông Việt Nam trong năm qua là việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước. Theo đó, ngày 16/10, cả ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng 40% giá cước dịch vụ 3G gói cước không giới hạn (Unlimited) từ 50.000 - 70.000 VND/tháng. Việc ba ông lớn đồng loạt tăng giá đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dùng và giới truyền thông bởi tất cả đều cho rằng đây là hành động độc quyền nhóm của các nhà mạng nhằm chèn ép người tiêu dùng. Trước bức xúc của dư luận, ngày 23/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đến đầu tháng 11, Bộ TT&TT chính thức lên tiếng khẳng định có đầy đủ sở cứ của việc tăng cước 3G và cho rằng nên xem việc điều chỉnh dịch vụ dữ liệu di động như là một điều bình thường.
Bộ TT&TT cho biết khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, theo đó: giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.
2. Rút giấy phép hàng loạt doanh nghiệp viễn thông
Những ngày cuối tháng 12/2012, Bộ TT&TT đã có một động thái cứng rắn khi ra quyết định rút giấy phép của cung cấp dịch vụ di động ảo của Đông Dương Telecom vì lý do không triển khai cung cấp dịch vụ sau 3 năm được nhận Giấy phép. Năm 2013 đánh dấu một năm quyết liệt hơn nữa của Bộ TT&TT khi liên tiếp thu hồi giấy phép viễn thông của những doanh nghiệp đã được cấp sau nhiều năm không triển khai như kế hoạch ban đầu. Mở màn là quyết định không được mong chờ đã được gửi đến VTC. Sau 3 năm được cấp giấy phép nhưng VTC không thể đàm phán với các nhà mạng lớn để dùng chung hạ tầng mạng, ngày 20/8/2013, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ra quyết định thu hồi Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của VTC.
Giấy phép của VTC có giá trị đến hết ngày 14/6/2025, cho phép VTC thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT-2000 không có hệ thống truy nhập vô tuyến, và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ Internet. VTC dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ di động ảo vào cuối năm 2010 trên phạm vi toàn quốc với đầu số 11 số. Tuy nhiên kế hoạch này đã không được triển khai vì không thể đàm phán với các nhà mạng lớn mà chỉ đạt được thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Viễn thông Toàn Cầu Gtel. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho rằng thỏa thuận hợp tác mà VTC ký với GTEL không khả thi. Do GTEL không có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất IMT -2000 và mạng lưới của GTEL không đủ đáp ứng nhu cầu của GTEL, hiện GTEL cũng đang phải sử dụng hạ tầng mạng của Vinaphone để cung cấp dịch vụ chuyển vùng trong nước.
Đến tháng 10, Bộ TT&TT đã ra Quyết định thu hồi giấy phép cung cấp dịch vu viễn thông của Công ty cổ phần Công nghệ mạng (QTNET) vì hành vi vi phạm không thông báo với Bộ khi ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông.
Cuối tháng 11, Bộ TT&TT liên tiếp ban hành quyết định thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông của 4 doanh nghiệp từ ngày 29/11/2013. 4 doanh nghiệp nằm trong diện bị rút giấy phép gồm: Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Công nghệ Somonet Việt Nam, Công ty Cổ phần hệ thống Sao Việt, Công ty Cổ phần phát triển phần mềm Chiến Thắng và Công ty Cổ phần viễn thông VIT Việt Nam. Nguyên nhân được cho là sau 4 năm được cấp phép, các doanh nghiệp này không triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp giấy phép.
3. Những lùm xùm quanh vấn đề bản quyền nhạc số
Từ tháng 1/11 năm ngoái, chính sách thu phí tải nhạc từ các trang web nghe nhạc trực tuyến có hiệu lực. Trước đó, đại diện của 18 trang web nghe nhạc trực tuyến lớn cùng Hiệp hội Ghi âm công nghiệp Việt Nam (RIAV) đã đồng ý ký thỏa thuận thu phí tải nhạc trực tuyến, với mức phí 1.000 đồng, trong đó công ty MV Corp là đối tác duy nhất đại diện cho hiệp hội trong việc quản lý tác quyền trên Internet và điện thoại di động.
Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, đến tháng 5/2013, MV Corp bất ngờ rút lui khỏi thỏa thuận và nhượng quyền đối tác nắm tác quyền nhạc số của RIAV lại cho công ty khác là VNG. Sau hơn một năm áp dụng chính sách thu phí tải nhạc số, hiện người dùng vẫn còn khá mù mờ về cách thức thu phí cũng như vẫn còn nhiều lùm xùm về vấn đề tác quyền của những bài hát mà RIAV đang nắm bản quyền.
Theo đó, đại diện nhiều trang web nghe nhạc lớn cho biết sau khi MV Corp chuyển lại quyền nắm tác quyền cho VNG, phía VNG đã đưa ra mức giá rất cao cho những bản nhạc mà VNG và RIAV đang nắm bản quyền, do vậy phía các trang web nghe nhạc này đã chủ động ngưng ký kết thỏa thuận mua lại bản quyền nhạc số đồng thời gỡ bỏ những bản nhạc có bản quyền của RIAV và VNG ra khỏi trang web của mình.
Tuy nhiên mới đây RIAV đã có hàng loạt công văn “tố cáo” nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến lớn vẫn tiếp tục sử dụng nhiều bản nhạc do RIAV nắm tác quyền, bất chấp việc phía các đơn vị bị tố cáo khẳng định đã ngừng sử dụng và gỡ bỏ những bản nhạc do RIAV nắm tác quyền, gây nên những “nhùng nhằng” khó hiểu mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu được.
4. Nghị định 72 về quản lý Internet
Giữa tháng 7, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sủ dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 1/9. Đây là Nghị định được ra đời để thay thế cho nghị định 97 cũ trước đó và được xem là nghị định ảnh hưởng đến các hoạt động Internet và thông tin trên mạng ở trong nước.
Theo đó, Nghị định 72 bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ và thông tin lên mạng Internet theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp, tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trên mạng, cải cách thủ tục hành chính.
Đặc biệt Nghị định mới có một quy định về việc quản lý thông tin công cộng qua biên giới. Cụ thể, tại điều 22 mục 1 của Nghị định 72 quy định các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook và Google khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.
Bên cạnh đó Nghị định 72 cũng cấm tình trạng người dùng sao chép nguyên bản thông tin từ những trang báo, bài báo về trang cá nhân trên mạng xã hội của mình mà không trích dẫn nguồn, không kèm theo đường link… điều này nhắm chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền về nội dung và thông tin. Tuy nhiên, việc trích dẫn một đoạn hoặc viết lời bình luận rồi dẫn đường link để chỉ về trang gốc thì Nghị định 72 không cấm.
Bên cạnh đó, Nghị định 72 cũng sẽ xử lý nặng những trang tin giả mạo, những cá nhân, tổ chức lợi dụng môi trường Internet để phục vụ cho các ý đồ xấu, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng thị trường tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế hoặc gây thông tin chia sẻ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ…
5. Phóng thành công vệ tinh đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo
Ngày 19/11/2013 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (Rồng nhỏ) do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo đã được đẩy ra vũ trụ từ Tậm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam.
Chỉ 4 giờ sau khi được phóng vào quỹ đạo trái đất, những tín hiệu đầu tiên đã được thu nhận thành công bởi các trạm mặt đất tại Nhật Bản. Trạm mặt đất đặt tại VNSC cũng đã nhận được tín hiệu từ PicoDragon không lâu sau đó.
Trước đó, ngày 04/08, vệ tinh PicoDragon đã được phóng thành công lên Trạm ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản và được lưu giữ tại đây cho dến khi được phóng vào vũ trụ cùng 2 vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ.
Nhiệm vụ của vệ tinh PicoDragon là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất, đồng thời đánh dấu chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo trái đất.
6. Nhân tài Đất Việt 2013 tìm được chủ nhân giải Nhất sau 4 năm vắng bóng
Nhóm tác giả sản phẩm“Phần mềm Mobile Advertising Network” đoạt giải Nhất nhóm sản phẩm CNTT tiềm năng.
Năm thứ 9 của Giải thưởng thường niên Nhân tài Đất Việt đã tìm được chủ nhân xứng đáng trao Giải Nhất CNTT, sau 4 năm vắng bóng giải thưởng cao nhất này. Nhóm tác giả sản phẩm “Phần mềm Mobile Advertising Network” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xướng danh trong lễ trao giải diễn ra tối 20/11.
Khởi nguồn là cuộc thi trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông, bắt đầu được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2004, Giải thưởng NTĐV do báo Dân trí, Đài Truyền hình Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức đã quy tụ được những nhà khoa học hàng đầu đất nước trở thành thành viên Giám khảo trong các Hội đồng Khoa học. NTĐV hiện là một trong những Giải thưởng khoa học uy tín nhất hiện nay với hệ thống giải ngày càng mở rộng, phát hiện và tôn vinh nhiều tài năng trong các lĩnh vực CNTT, Khoa học Tự nhiên, Y dược, Môi trường.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng NTĐV đã tiết lộ trong năm 2014- năm kỷ niệm lần thứ 10 của giải thưởng- sẽ có bước đột phá, bùng nổ với việc mở rộng thêm lĩnh vực Giáo dục - khuyến học.
7. Các ông lớn công nghệ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ tại VN
Từ vài năm trở lại đây xu hướng các hãng công nghệ đã bắt đầu chuyển dịch đưa nhà máy sản xuất vào Việt Nam, nhưng đến năm 2013, Việt Nam mới thực sự trở thành một căn cứ địa sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp, điển hình là các hãng sản xuất di động như Samsung và Nokia. Hai hãng di động lớn đều đánh giá Việt Nam là thị trường trọng điểm trong chiến lược phát triển của họ. Tháng 3/2013, Samsung đã chính thức khởi công dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thứ 2 tại Việt Nam, và là nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của hãng trong khu công nghiệp Yên Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD trong tổng dự án đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD.
Trong khi đó, Nokia cũng chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở Bắc Ninh từ tháng 6/2013 với một số lượng lớn được xuất khẩu tại nhiều nước trên thế giới.
Nokia bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy với tổng số vốn đầu tư là 302 triệu USD trên tổng diện tích sử dụng 65.400m2 từ tháng 3/2012.
Nokia cho biết ngoài vai trò là trung tâm sản xuất chính của Nokia trong khu vực, nhà máy tại Bắc Ninh cũng sẽ phục vụ cho việc đào tạo và phát triển nhân viên, làm chuẩn mực cho sự phát triển bền vững và bổn phân công dân của doanh nghiệp.