Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập ngày 17/12/1988.
Để đi tới quyết định thành lập, cuộc vận động để thành lập Hội đã được tiến hành 23 năm trước đó.
Ngày 26/4/1965, Ban Vận động thành lập Hội do Tổng Công trình sư Nguyễn Văn Tình (lúc đó là Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện) đứng đầu đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật về Vô tuyến điện và Điện tử thuộc các lĩnh vực Bưu điện, Phát thanh, Thông tấn xã, Điện ảnh, các trường Đại học, các Bộ Công nghiệp, Quốc phòng, Nội vụ cùng tham gia.
Ban vận động lúc đó (tháng 6/1965) gồm 10 người là: Tổng Công trình sư Nguyễn Văn Tình (Tổng cục Bưu điện, đã mất), Kỹ sư Nguyễn Cung (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam), Kỹ sư Nguyễn Như Kim (Đại học Bách khoa, đã mất), Kỹ sư Bùi Minh Tiêu (Đại học Bách khoa, đã mất), Kỹ sư Nguyễn Lại (Cục Điện ảnh), Kỹ sư Phạm Văn Bảy (Tổng cục Bưu điện), Kỹ sư Nguyễn Văn Ngọ (ĐH Bách khoa), Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ngoạn (Viện Nhiệt đới hóa), Kỹ sư Hoàng Sước (Tổng cục Bưu điện), Kỹ sư Trịnh Lý Thản (Đài Tiếng nói Việt Nam).
Do hoàn cảnh chiến tranh đến ngày 22/6/1982, Ban vận động mới lại tiếp tục họp Hội nghị mở rộng với 21 thành viên bầu ông Nguyễn Lại làm Trưởng Ban.
Đại hội lần thứ I của Hội đã được tổ chức tại Hội trường C2 của ĐH Bách khoa Hà Nội, bầu ra ban chấp hành đầu tiên gồm 37 người, gồm các nhà khoa học, giảng viên đại học, nhà sản xuất, và nhà quản lý thuộc lĩnh vực Vô tuyến Điện tử trong cả nước. Ban chấp hành đã bầu ra Chủ tịch đầu tiên của Hội là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ là Phó Chủ tịch/Tổng thư ký đầu tiên và một số Phó Chủ tịch khác có các đồng chí Phan Anh, Nguyễn Hà Hoạt, Đỗ Trung Tá.
Ngay sau khi được thành lập năm 1998, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã chủ động kiến nghị với Nhà nước về dùng vệ tinh địa tĩnh chuyển tiếp các chương trình Phát thanh - Truyền hình nhằm mở rộng vùng phủ sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.
Năm 1992, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam được Bộ Khoa học Công nghệ - Môi trường tư vấn để chọn thuê vệ tinh khu vực thích hợp nhất cho việc truyền các chương trình truyền hình Trung ương.
Tiếp đó, cứ 2 năm một lần, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam lại tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc REV để nắm bắt tình hình phát triển khoa học công nghệ ở các nước phát triển trên thế giới, đánh giá hiện trạng KH&CN trong nước và đưa ra những khuyến nghị và định hướng phát triển, chính sách và những biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngàng Điện tử - Viễn thông – Tin học của đất nước. Tại mỗi Hội nghị, ngoài các báo cáo khoa học còn có cuộc tòa đàm với một chủ đề có tính thời sự nhất đã được lựa chọn. Kết luận của mỗi Hội nghị đều được Ban Thư ký Hội đúc kết thành bản khuyến nghị để trình lên Trung ương Đảng và chính phủ xem xét.
Trong suốt 25 năm qua, Hội đã phối hợp với các cơ quan và tổ chức khoa học trong nước (trong đó có Chương trình KC-01, Tổng cục Bưu điện, Liên hiệp Điện tử - Tin học, Bộ Bưu chính Viễn thông tổ chức đều đặn Hội nghị REV vào năm chẵn, Hội thảo chuyên đề vào năm lẻ. Cho đến năm 2008, đã tổ chức được 11 kỳ Hội nghị REV.
Các Hội nghị REV từ lần thứ 8 (2002), lần thứ 9 (2004) và lần thứ 10 (2006) đã được nâng cấp để đạt chất lượng học thuật cao hơn, cách tổ chức đã mang tính chất Hội nghị quốc tế và có sự bảo trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và nước ngoài như IEEE, IEICE. Đến 2008, REV đã có một hình thức tổ chức mới kết hợp với Hội nghị quốc tế ATC vừa đạt chất lượng về khoa học và ngang tầm quốc tế, đạt hiệu quả đối với việc tập hợp trí tuệ của nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, phát triển các lĩnh vực KH-CN của đất nước. Các bài báo được công nhận là công trình quốc tế, được đưa vào cơ sở dữ liệu của IEEE và được quốc tế công nhận.
Từ năm 1990, Hội cũng đã xuất bản các tạp chí điện tử dưới nhiều hình thức gồm Tạp chí Điện tử Ngày nay (1990), Tạp chí Điện tử cho những người yêu thích máy tính (Computer Fan) (2000), Tạp chí Điện tử Tiêu dùng (2005), Tạp chí CNTT (2007), Tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh REV Journal on Electronics and Communications (JEC) từ cuối 2010.
Hội cũng cùng phối hợp vói Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc tế về Điện tử vào các năm 2003, 2005, 2006; Triển lãm quốc tế về Phát thanh Truyền hình - CNTT - Viễn thông TBI 2008 tại Hà Nội.
Về quan hệ quốc tế, cho đến nay Hội đã ký kết hiệp định hợp tác với 8 tổ chức quốc tế và có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học công nghệ lớn khác như CNES (Pháp), Locheed Martin Telecommunication (LMT-Hoa Kỳ), Global Star…
Hội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Thành hội Hải phòng được chính quyền thành phố tằng bằng khen. Tổng thư ký Hội được bằng khen của Thủ tướng và nhiều hội viên được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp các hội KH&KT”.
|
GS. Nguyễn Văn Ngọ và GS. TSKH Phan Anh tặng các bằng khen cho tập thể hội viên và các hội viên đã có thành tích đóng góp cho sự phát triển của Hội Vô tuyến Điện tử trong thời gian qua |
|
Hội Vô tuyến Điện tử tặng Giấy khen cho các hội viên đã có thành tích đóng góp cho sự phát triển của Hội Vô tuyến Điện tử trong thời gian qua |
GS. Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch danh dự của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã xúc động ôn lại quá trình chặng đường lâu dài phấn đấu vận động thành lập Hội Vô tuyến Điện tử, chặng đường hợp tác quốc tế của Hội.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và hoạt động của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, GS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã tặng bức trướng bức trướng có 8 chữ vàng Đoàn kết – Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển cho Hội và phát biểu cho biết Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước. Sau 25 năm hoạt động Hội đã thực sự trở thành ngôi nhà chung và một địa chỉ tin cậy để tập hợp anh chị em tri thức khoa học công nghệ đang hoạt động trên một lĩnh vực có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
“Trong những năm vừa qua khi nhắc tới Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam người ta nhắc đến những ý kiến thẩm định và phản biện sắc sảo, khách quan dựa trên cơ sở khoa học mà Hội đã đóng góp trong các chương trình dự án lĩnh vực Vô tuyến Điện tử trước khi được phê chuẩn ở cấp Nhà nước, cấp Bộ, đặc biệt là đóng góp cho Dự thảo Luật Tần số Vô tuyến Điện, Luật Viễn thông đã được Quốc hội thông qua. Nói đến Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam người ta nhắc Hội đã phối hợp với các cơ quan và tổ chức trong nước đều đặn tổ chức Hội nghị Vô tuyến Điện tử toàn quốc và từ năm 2008 đã nâng cấp tổ chức thành Hội nghị quốc tế đến với hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước. Nói đến Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam người ta nhắc đến việc từ cuối năm 2010 Hội đã xuất bản được Tạp chí chuyên ngành tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng được nhu cầu giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới trên lĩnh vực Vô tuyến Điện tử”, GS. Đặng Vũ Minh cho biết thêm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam GS. TSKH. Phan Anh cho biết 25 năm thành lập Hội là một mốc quan trọng, đánh dấu 1 chặng đường hoạt động tích cực, hiệu quả của Hội trong những năm qua thúc đẩy hoạt động KHCN trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông, đặc biệt góp phần thúc đẩy, đào tạo các thế hệ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển lĩnh vực Điện tử Viễn thông.
Theo Ictpress.vn