Ảnh minh họa
Theo báo cáo, năm 2013, Hà Tĩnh bắt đầu xây dựng các dự án thí điểm Chính quyền điện tử cấp huyện tại thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh và sở điện tử tại Sở Thông tin và Truyền thông; đầu tư ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính cho các huyện, xã khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ số cạnh tranh của địa phương, tăng cường cơ sở dữ liệu của các ngành Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường…
Đến nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và 60% UBND cấp xã khai thác ứng dụng hiệu quả hệ thống: Cổng thông tin điện tử; Văn phòng điện tử; Thư điện tử; Trang điều hành tác nghiệp và một số dịch vụ công trực tuyến qua Một cửa điện tử… Tỉ lệ trao đổi bằng văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt trên 95%, giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt trên 75%; trong nội bộ cơ quan nhà nước cấp huyện đạt trên 75% (riêng cấp xã mới đạt gần 30%). Việc an toàn, an ninh mạng được đảm bảo, có quy định cụ thể, cán bộ được đào tạo, không để xảy ra hiện tượng mất dữ liệu, không lộ thông tin mật hay bị tấn công từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được đẩy mạnh. Cổng thông tin điện tử hoạt động liên tục, hiệu quả, cung cấp 9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 100% các thủ tục hành chính được đưa lên cổng ở mức độ 2; 100% các trang - cổng thông tin của các đơn vị đã cung cấp đầy đủ bộ thủ tục hành chính ở mức độ 2 thuộc thẩm quyền của đơn vị.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai có hiệu quả tại hai đơn vị (gồm Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh) và một số doanh nghiệp trên địa bàn; ứng dụng phiên bản chữ ký số bước đầu được triển khai có hiệu quả giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính và trên 40 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Việc triển khai hệ thống Một cửa điện tử đã được chỉ đạo quyết liệt, năm 2013 triển khai thêm 3 đơn vị mới nâng tổng số Một cửa điện tử lên 6 đơn vị trong toàn tỉnh, hiện tiếp tục triển khai Một cửa điện tử tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo chỉ đạo của tỉnh, đến năm 2015 hoàn thành Một cửa điện tử tại 100% cấp huyện trên địa bàn.
Kiện toàn nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đến cấp xã; 100% các cơ quan nhà nước đã bố trí giám đốc CNTT, bộ phận chuyên trách về CNTT; 100% CIO, chuyên trách cấp tỉnh, huyện được đào tạo an ninh mạng; mở nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng CNTT cho cán bộ công chức…
Theo kế hoạch mới được phê duyệt, trong năm 2014, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Trong đó, nâng cấp phiên bản mới, liên thông, mở rộng hệ thống văn phòng điện tử tới 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; đảm bảo trên 85% các văn bản, tài liệu trao đổi giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh; 70% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước cấp huyện, 45% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước cấp xã được thực hiện qua mạng. Đảm bảo trên 70% văn bản phục vụ các cuộc họp của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện (trên 30% đối với cấp xã) được gửi đến các đại biểu trước cuộc họp bằng văn bản điện tử nhằm giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng CNTT đảm bảo 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh và 50% cán bộ, công chức cấp xã có đủ điều kiện về trang thiết bị thực hiện tác nghiệp; 85% cán bộ cấp xã được đào tạo và sử dụng máy tính, đào tạo 50% cán bộ phụ trách CNTT cấp xã đạt chuẩn nghiệp vụ theo quy định…
Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cấp và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của tỉnh, các địa phương - đơn vị đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là khai thác có hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3; triển khai thêm hệ thống Một cửa điện tử tại 4 -5 đơn vị cấp huyện và thí điểm 2 đơn vị cấp xã liên thông với Một cửa điện tử cấp huyện.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đầu tư nâng cấp đồng bộ mạng nội bộ, Internet đến cấp xã đảm bảo cho quá trình vận hành, ứng dụng Văn phòng điện tử, thư điện tử, khai thác hiệu quả hội nghị truyền hình trực tuyến; nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu theo hướng mới và hệ thống sao lưu, đảm bảo triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và an toàn thông tin theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử của tỉnh…
Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là cho cán bộ lãnh đạo, chuyên trách CNTT của đơn vị, đặc biệt là đào tạo chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách CNTT cấp xã; áp dụng chế độ ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách CNTT các cấp; mở rộng đào tạo tin học trong cộng đồng, xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ứng dụng có hiệu quả Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh…
Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, triển khai có hiệu quả Một cửa điện tử tại các đơn vị; thí điểm ứng dụng chữ ký số trong giao dịch bằng văn bản điện tử G2G khi giao dịch trên Văn phòng điện tử và hộp thư điện tử; tiếp tục phát triển Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, bảo đảm khả năng kết nối giữa các hệ thống tại bộ phận một cửa nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp qua mạng Internet, đảm bảo tin học hóa tối đa các quy trình thủ tục hành chính…
Đối với dịch vụ công mức 3, Hà Tĩnh ưu tiên triển khai các dịch vụ sau: Cấp giấy đăng ký hành nghề y dược; lao động, việc làm; cấp, đổi giấy phép lái xe…
Cũng theo kế hoạch, UBND tỉnh đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức triển khai thực hiện: Hướng dẫn các cơ quan nhà nước xây dựng kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; thẩm định thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật dự án được giao; phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thu hút nguồn lực và các nguồn hỗ trợ từ Trung ương để thực hiện thành công kế hoạch…
Việc triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT của các cơ quan quản lý nhà nước năm 2014 trên địa bàn Hà Tĩnh nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cải cách hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đặc biệt là sẵn sàng cho ngành công nghiệp CNTT tại Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Theo Mic.gov.vn