|
TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ thách thức về nhân lực quản trị dự án trong lĩnh vực CNTT. |
Hội nghị quản trị dự án quốc tế PROMAC vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của 250 nhà quản trị dự án từ 10 quốc gia gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… trong đó chủ yếu là các nhà quản trị dự án (PM - Project Manager) của bộ phận nghiên cứu, phát triển thuộc các công ty lớn như Fujitsu, Hitachi, IBM Japan...
Quản trị dự án trong lĩnh vực CNTT là một trong những chủ đề chính của Hội nghị PROMAC (cùng với các chủ đề về quản trị dự án trong Giáo dục, Kinh tế, Tài chính,..).
Đại diện cộng đồng Quản trị dự án tại Việt Nam, PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết: Với việc xác định lấy CNTT làm nền tảng cốt lõi để phát triển đất nước, Việt Nam đứng trước thách thức không nhỏ khi yêu cầu phát triển về CNTT đòi hỏi nguồn lực được đào tạo bài bản, năng động và đặc biệt đòi hỏi một lực lượng quản trị dự án chất lượng cao vững mạnh, có liên kết chặt chẽ với quy chuẩn, hệ thống và mạng lưới quản trị dự án quốc tế.
Trên thực tế, không ít chuyên gia CNTT đã cảnh báo hiện trạng thiếu hụt nhân lực quản trị dự án trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Nhiều người làm quản trị dự án tại Việt Nam đi lên từ lập trình viên, có thể vững về hệ thống nhưng hạn chế về khả năng quản lý, quản trị nhân sự. Nhìn mặt bằng chung, người làm công tác quản lý dự án tại Việt Nam chỉ tương đương cấp độ quản lý nhóm (team leader) chứ chưa đạt cấp độ Giám đốc dự án hoặc quản lý nhiều dự án (account mangager). Đa phần lãnh đạo trong các công ty CNTT hiện nay đều tốt nghiệp từ các ngành kinh doanh.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt nhân lực quản trị dự án trong lĩnh vực CNTT là sinh viên CNTT chưa được đào tạo tốt về kỹ năng quản lý dự án cũng như kỹ năng lãnh đạo. Ít trường đại học đào tạo bộ môn Quản trị dự án, thậm chí còn có ý kiến cho rằng đây không phải môn học có thể đưa vào dạy trong trường đại học vì để giảng dạy chuyên sâu phải mất rất nhiều thời gian, khó bố trí cho sinh viên trải nghiệm dự án thực tế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại Hội nghị lần này, Đại học FPT cùng 10 trường đại học lớn từ các quốc gia khác như Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Công nghệ Malaysia... đã đặt vấn đề về tầm quan trọng của việc dạy cho sinh viên bộ môn Quản trị dự án.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, TS. Lê Trường Tùng, Đại học FPT cho biết Đại học FPT đã đưa môn Quản trị dự án vào dạy trong chương trình chính khóa bắt buộc dành cho sinh viên; từ năm 2013, Đại học FPT bắt đầu đào tạo Thạc sĩ về Quản lý dự án, dự kiến năm nay đào tạo 100 thạc sĩ mảng này. Bên cạnh đó, Đại học FPT còn thường xuyên mời các chuyên gia quản trị dự án trung và cao cấp của các doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel, CMC... tới trao đổi, chia sẻ hoặc đóng vai trò giảng viên để truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị dự án với sinh viên.
Bên cạnh vấn đề đào tạo nhân lực, cũng tại Hội nghị lần này, FPT đã góp phần kết nối các nhà quản trị dự án của Việt Nam với mạng lưới nhà quản trị dự án quốc tế, tạo thêm cơ hội để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong thời gian tới.
PROMAC là hội nghị quốc tế chuyên đề về quản trị dự án được tổ chức hàng năm bởi Hiệp hội quản trị dự án Nhật Bản SPM (Society of Project Management). Năm 2012, PROMAC lần thứ 6 được tổ chức tại Hawaii, Mỹ. Với sự nỗ lực đăng cai tổ chức của Đại học FPT, 2013 là năm đầu tiên hội nghị này được đưa về tổ chức tại Việt Nam nhằm tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu thế giới về quản trị dự án.
Theo Ictnews.vn