|
Ảnh minh họa |
Ông Phúc cho biết trong thời gian vừa qua có một việc gây bức xúc với các địa phương là các Bộ khi triển khai hệ thống CNTT lớn từ TW xuống địa phương đã gây khó khăn, chồng chéo với địa phương mà điển hình tại Hội thảo Chính phủ điện tử tháng 8/2013 đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã phát biểu công khai với báo giới là Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh toàn quốc đã là một bước thụt lùi về ứng dụng CNTT của TP. HCM vì toàn bộ hệ thống đăng ký kinh doanh đã được TP. HCM xây dựng trong vòng 10 năm vừa qua đang rất hiệu quả thì phải dừng không hoạt động nữa và sử dụng hệ thống kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lại không đáp ứng được yêu cầu của TP. HCM. Chia sẻ này của đồng chí Lê Mạnh Hà được rất nhiều địa phương ủng hộ như Đà Nẵng, Long An…
Tại phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước (CQNN) của các tỉnh thành phố khu vực miền Bắc (khu vực I), giám đốc CNTT của 28 tỉnh, thành phía Bắc đều hết sức đồng tình ủng hộ, tha thiết đề nghị Bộ sớm ban hành Thông tư quy định về triển khai các HTTT có qui mô triển khai từ TW đến địa phương càng sớm càng tốt, sớm ngày nào đỡ lãng phí ngân sách nhà nước ngày ấy, nếu không các Bộ tiếp tục triển khai HTTT từ TW đến địa phương, tiếp tục chồng chéo, lãng phí với các hệ thống đang vận hành hiệu quả ở các địa phương.
Ông Bùi Đắc Thế, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết việc thống nhất các hệ thống thông tin từ TW đến địa phương để phát huy được hiệu quả đầu tư là điểm nóng rồi vì TW đầu tư, địa phương đầu tư kết nối không được thì bỏ đi rất lãng phí.
Thay mặt cho ban soạn thảo Thông tư phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT CQNN của các tỉnh thành phố khu vực miền Bắc, ông Phúc cho biết Cục ứng dụng CNTT xây dựng Dự thảo Thông tư theo 4 bước:
Thứ nhất, về khâu lập dự án, mong muốn Thông tư được ban hành, Bộ TT&TT sẽ thẩm định dự án từ khâu TW đến địa phương để đảm bảo bước đầu xem xét phê duyệt dự án có tính đến khâu kết nối liên thông với các HTTT sẵn có của địa phương và cũng tính tới hiện trạng các HTTT của địa phương đã có, ví dụ như HTTT dân cư khi triển khai xuống địa phương thì một số địa phương đã có thì cố gắng không lặp lại mà sử dụng, tận dụng hoặc nâng cấp, kết nối. Dự kiến khi thẩm định khâu lập dự án sẽ xin tối thiểu ý kiến của 10 địa phương điển hình liên quan đến hệ thống này để đảm bảo địa phương đã phản ánh hết thực tế của mình trong dự án đó.
Thứ hai, về triển khai thực hiện dự án, từ trước tới nay các Bộ chủ động triển khai với nguồn vốn cứ triển khai tràn xuống địa phương với các Sở chuyên ngành, ví dụ giấy phép lái xe triển khai xuống Sở Giao thông vận tải nhiều khi không phối hợp với ở trên và Sở TT&TT đứng ngoài cuộc rất nhiều và đến khi có vấn đề xảy ra Sở TT&TT mới vào cuộc, mới tham mưu cho Ủy ban nhân dân lúc đó đã chậm. Ý định của Thông tư này là đề xuất các Bộ công khai kế hoạch triển khai các hệ thống của mình xuống địa phương và cho các địa phương, Bộ TT&TT biết trước khi triển khai. Khi công khai rồi thì có vấn đề gì vướng mắc thì mời Sở TT&TT sẽ tham gia cho ý kiến để đảm bảo việc triển khai này tương đối thống nhất”.
Thứ ba, khâu nghiệm thu đưa vào sử dụng, đây là khâu được cho là quan trọng nhưng từ trước đến giở Sở TT&TT đứng ngoài cuộc. Thông tư muốn dự án nghiệm thu được phải có ý kiến Sở chuyên ngành và Sở TT&TT hoặc ý kiến chung của UBND tỉnh là thấy rằng hệ thống đấy triển khai xuống địa phương là đang kết nối, liên thông, đang phù hợp với chính sách ứng dụng CNTT của địa phương để yên tâm không có sự chồng chéo, lãng phí.
Thứ tư, có một số dự án đang ở tình trạng “xôi đỗ” là TW và địa phương cũng triển khai, Thông tư này dự định đưa ra một số quy định liên quan đến xử lý tình huống như vậy để giải quyết hài hòa lợi ích giữa TW và địa phương.
Theo Ictpress.vn