|
Viettel mong muốn góp phần vào sự bùng nổ dịch vụ CNTT tại Việt Nam sau khi đã đã từng đóng góp vào sự bùng nổ viễn thông, tạo dịch vụ giá rẻ cho người dân sử dụng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Phát biểu tại Hội thảo Pháp – Việt về "Phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam" do Bộ TT&TT phối hợp Cơ quan thương mại UBIFRANCE tổ chức sáng ngày 25/9/2013, ông Tống Viết Trung chia sẻ: "Khảo sát của Viettel cho thấy hiện các dự án CNTT ở cấp độ quốc gia được triển khai với quy mô không lớn, nhìn chung rất chậm. Một số dự án quan trọng như Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, hoặc về Tài nguyên mới dừng ở mức độ triển khai thử nghiệm. Những khó khăn thường gặp phải là quá trình triển khai 1 dự án rất phức tạp, thời gian từ lúc đề xuất đến phê duyệt chủ trương kéo dài, nhiều khi được phê duyệt thì công nghệ đề xuất đã lạc hậu; hoặc do khó khăn kinh phí, "bài toán" lớn được tách thành nhiều "bài toán" nhỏ, thường dừng ở mức thử nghiệm chứ khó triển khai rộng; hoặc có dự án dùng vốn ODA để triển khai, đến khi hết tiền thì lúng túng, không biết triển khai tiếp tục ra sao. Rất nhiều dự án đang có tình trạng như vậy".
"Với quan điểm đã từng đóng góp vào sự bùng nổ viễn thông, tạo dịch vụ giá rẻ cho người dân sử dụng, nay mong tiếp tục đóng góp vào bùng nổ dịch vụ CNTT, Viettel xác định sẽ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp phá vỡ các rào cản về kinh nghiệm giải pháp, tài chính,... để đưa ứng dụng CNTT phục vụ đời sống xã hội. Thời gian qua, Viettel thường xuyên tham gia câu lạc bộ lãnh đạo về CNTT để xem có thể giúp được gì cho các Bộ, ngành trong triển khai ứng dụng CNTT, cung cấp hạ tầng", ông Tống Viết Trung chia sẻ thêm.
Trên thực tế, Viettel đang là doanh nghiệp tiên phong và điển hình trong việc triển khai dịch vụ CNTT tại các cơ quan Nhà nước theo mô hình hợp tác Công – Tư.
Những dự án tiêu biểu gồm: Dự án Quản lý trường học, cung cấp miễn phí các ứng dụng giáo dục cho các trường học, sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục (hiện có sự tham gia của khoảng 10.000 trường), xây dựng ra 1 số module để có thể thu được phí dịch vụ từ các gia đình, học sinh, đang hướng tới xây dựng 1 cộng đồng, hệ sinh thái để trên đó xây dựng các dịch vụ về sách giáo khoa, học trực tuyến,…; Dự án cung cấp toàn bộ hạ tầng, dịch vụ CNTT cho Văn phòng Chính phủ; Cung cấp toàn bộ hạ tầng cho dự án Đầu thầu mua sắm công của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (dự kiến thu phí của các đơn vị tham gia thầu để trang trải chi phí đầu tư); Dự án Hải quan 1 cửa của các nước ASEAN(liên thông với các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Y tế,… trong vấn đề cấp phép nhập khẩu trang thiết bị vật tư,...); Dự án VTax (thuế điện tử) của Tổng cục Thuế,...
"Viettel xác định sẽ tiếp tục vai trò của nhà cung cấp dịch vụ CNTT, chủ động đầu tư hạ tầng, mạng lưới, ứng dụng. Các tổ chức, đơn vị có thể sử dụng thử nghiệm các sản phẩm ứng dụng đó và góp ý điều chỉnh cho phù hợp. Các tổ chức, đơn vị không phải lo về vấn đề xây dựng dự án, chứng minh tính hiệu quả của dự án, đặc biệt có thể đảm bảo tính thành công cao của dự án cao vì Viettel cam kết đồng hành đến khi dự án thành công. Viettel sẵn sàng đồng hành, đầu tư để hiện thực hóa các mục tiêu ứng dụng CNTT của các tổ chức, doanh nghiệp để rút ngắn thời gian đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT", ông Tống Viết Trung khẳng định.
Theo Ictnews.vn