Sự phát triển bùng nổ của các thiết bị dùng hệ điều hành di động Android đã khiến nền tảng này trở thành mục tiêu lớn của tội phạm mạng và mã độc – Ảnh minh họa: Internet
Trong báo cáo của mình, Trend Micro nhấn mạnh đặc biệt điện thoại di động dùng hệ điều hành Android đang là tâm điểm trực tiếp của tội phạm mạng. Một trong những vấn đề lớn nhất đó là mặc dù các mối hiểm họa và nguy cơ trên Android đang phát triển vô cùng mạnh mẽ nhưng người dùng vẫn chưa có những quan tâm đúng mực đến vấn đề bảo mật trên thiết bị của mình.
Báo cáo của Trend Micro chỉ ra số lượng các phần mềm độc hại và các ứng dụng có rủi ro cao đã tăng lên 718.000 trong quý 2 – tăng thêm 509.000 so với quý đầu tiên. Trend Micro dự đoán những ứng dụng độc hại này sẽ vượt quá 1 triệu vào cuối năm nay.
Số lượng ứng dụng độc hại trên nền tảng Android theo từng tháng – Nguồn: Trend Micro Report quý 2-2013
Theo Trend Micro, các phần mềm mã độc nhắm vào PC phải mất đến hàng thập kỷ mới đạt được số lượng này. Trong khi đó, ứng dụng độc hại hướng đến thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) lại tăng nhanh chóng mặt.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong việc tải về các phần mềm độc hại trên ứng dụng Android va là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ rủi ro gặp phải về thông tin riêng tư trên thiết điện thoại di động – trích báo cáo bảo mật quý 2-2013 của Trend Micro, hãng bảo mật nổi tiếng thế giới dựa trên công nghệ điện toán đám mây (cloud computing). |
Giới chuyên viên bảo mật nhận định, tin tặc thường xuyên tìm kiếm các lỗ hổng trong hệ điều hành cho thiết bị di động, khai thác chúng, và nguy hại hơn, có nhiều lỗ hổng không bao giờ được nhà phát triển khắc phục.
Ông JD Sherry, phó chủ tịch Trend Micro cho biết: “Bắt nguồn từ bản chất dễ bị xâm nhập của hệ thống Android, thật khó khăn để các bản vá lỗi đến được với tất cả người dùng kịp thời. Trong một số trường hợp, người dùng sẽ không bao giờ có được các bản vá lỗi khi các nhà cung cấp dường như bỏ mặc khách hàng của họ trước nguy cơ bị tấn công. Cho đến khi chúng ta nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải bảo vệ thiết bị di động như cách chúng ta đang làm đối với các máy tính cá nhân, mối đe dọa thực sự này vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh chóng và gây thiệt hại cho người dùng”.
Phương thức tiếp cận của các phần mềm độc hại ngày càng trở nên tinh vi hơn và chúng được phát triển theo nhiều hướng phức tạp. Chẳng hạn, chúng thường “ẩn mình” dưới dạng cung cấp cho người dùng thông qua các bộ ứng dụng giá rẻ, miễn phí hoặc đi kèm.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ rủi ro gặp phải về thông tin riêng tư trên thiết điện thoại di động – Nguồn: Trend Micro
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong việc tải về các phần mềm độc hại trên ứng dụng Android – Nguồn: Trend Micro
Bên cạnh đó, Trend Micro cảnh báo, phần mềm độc hại xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng trực tuyến tăng từ 113.000 lên đến 146.000 trong quý vừa qua, tỉ lệ tăng 29%. Đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của cá nhân, hoặc công ty, tập đoàn lớn.
Chính các nhà cung cấp cũng khuyến nghị người dùng áp dụng những biện pháp ngăn ngừa như giám sát chặt chẽ hoạt động tài khoản của người dùng và sử dụng các giải pháp bảo mật của bên thứ ba để giảm thiếu tác động của các mối đe dọa.
Theo Tincongnghe.com.vn