|
Ứng dụng CNTT xây dựng Đà Nẵng thông minh hơn |
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, TP đã triển khai các giải pháp công nghệ thông tin “Làm cho thế giới thông minh hơn” bằng việc xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành thông minh. Trong đó ưu tiên giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất đang có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân TP là giao thông vận tải và quản lý nước sạch.
Theo đó, Trung tâm sẽ cung cấp thông tin tổng hợp về các hoạt động và các sự cố thông qua bản đồ, bảng điều khiển và cảnh báo. Từ đó cho phép chính quyền TP và các cơ quan chuyên môn theo dõi các xu thế, dự báo nhu cầu và quản lý tốt hơn về cơ sở vật chất và hạ tầng của Đà Nẵng. Sau gần một năm thực hiện, đến nay chương trình đã xây dựng hoàn thiện 2 dự án thí điểm là Quản lý chất lượng nguồn nước và Quản lý giao thông cùng hoạt động 100 xe buýt của Thành phố.
Nếu như trước đây, các mẫu nước thường được thu thập và phân tích thủ công thì với các thiết bị cảm biến mới của IBM được lắp đặt trong toàn bộ hệ thống xử lý nước hiện nay, từ các dữ liệu do Trung tâm thông minh hơn cung cấp, nhà máy nước Cầu Đỏ có thể đo lường độ đục, độ mặn, độ dẫn điện, độ PH và nồng độ clo theo thời gian thực.
Đây chính là giải pháp “Nước thông minh” sẽ giúp các cán bộ, nhân viên nhà máy máy nước Cầu Đỏ nắm bắt tình hình vận hành của hệ thống nước nước ngay tức thì, hay nhận được cảnh báo và thông báo khi các chỉ số bị lệch chuẩn hoặc khi kết quả phân tích cho biết chất lượng nước đã thay đổi.
Theo bà CoWali - Chuyên gia công nghệ đến từ IBM, việc đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành thông minh tại nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) sẽ giúp cho nhà máy nước này đủ cơ sở để phân tích và giám sát theo dõi thời gian thực hiện nguồn cung cấp nước sạch cho toàn TP.
Bên cạnh đó, Trung tâm điều hành thông minh do IBM cung cấp, lắp đặt tại Sở Giao thông ận tải TP Đà Nẵng đã phát huy những hiệu quả tích cực. Các cơ quan chức năng TP có thể theo dõi mật độ tham gia giao thông và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông của TP qua một bảng điều khiển.
Trung tâm điều hành giao thông TP Đà Nẵng sẽ có các công cụ để dự báo và phòng tránh những nguy cơ ùn tắc tiềm ẩn, đồng thời điều phối tốt hơn hoạt động đối phó của TP. Dữ liệu từ nhiều hệ thống có thể được tích hợp, lưu trữ toàn phần để phân tích phục vụ mục đích thống kê, đối soát và chỉ ra những bất cập.
Được biết, trong thời gian tới, IBM sẽ tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng triển khai thêm một số hoạt động khác có liên quan đến sáng kiến xây dựng Đà Nẵng thành “Thành phố thông minh hơn”, trong đó một dự án mới sẽ được triển khai là quản lý và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh công cộng, quản lý lụt lội.
“Với tầm nhìn xây dựng một thành phố năng động trong phát triển kinh tế- xã hội, chú trọng giải quyết những vấn đề an sinh, môi trường, chính quyền TP Đà Nẵng đã và đang hiện thực những bước đi mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển đô thị, mạnh dạn sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng thành phố nhằm từng bước cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao cho người dân và du khách tại thành phố”- ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông nhấn mạnh.
Tháng 5/2012, Đà Nẵng - đô thị đầu tiên của Việt Nam – được IBM chọn là một trong 33 thành phố trên thế giới được nhận tài trợ từ chương trình “Thành phố Thông minh hơn” của IBM – một sáng kiến kéo dài 3 năm, có tổng trị giá hỗ trợ lên đến 50 triệu USD dành cho 100 thành phố thế giới.
Đánh giá sự thành công bước đầu của dự án, ông Tan Jee Toon - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam cho biết: “Đà Nẵng được đánh giá cao hơn so với các thành phố cùng hạng về cam kết xây dựng Thành phố Thông minh hơn. Đây thực sự là một thành phố có tầm nhìn sáng và biết rõ giá trị của công nghệ trong việc nâng cao các hiệu quả hoạt động để trở thành một thành phố bền vững và đáng sống”.
|
Theo Baodientu.chinhphu.vn