|
Một lớp học CNTT của người khuyết tật. |
Những số phận éo le trong cuộc sống
Nằm khá khiêm tốn trong khuôn viên trường Đại học Đông Á là một dãy nhà cấp 4 dành cho những học viên khuyết tật đang theo học chương trình CNTT. Đây là chương trình do Tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Theo chân ông Joakim Parter - Giám đốc USAID tại Việt Nam, chúng tôi cùng đến thăm khóa học thứ 4 của chương trình này. Lớp học gồm 24 học viên đến từ các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Trong 24 học viên ấy, người gây ấn tượng nhất với chúng tôi là học viên Nguyễn Thị Nga, 32 tuổi quê ở Đà Nẵng, bị dị tật bẩm sinh do lây nhiễm chất độc da cam. Nga tâm sự: “Mình là chị cả trong gia đình có hai chị em, bố mẹ làm thuê kiếm sống. Mình mắc phải căn bệnh quái ác này từ người cha nhiều năm làm thuê ở những vùng nhiễm chất độc đioxin nặng. Mang trong mình căn bệnh di truyền quái ác, mình luôn cảm thấy mặc cảm với bạn bè và xã hội. Nhưng rồi được sự yêu thương và động viên của gia đình, bạn bè nên mình đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”.
Suốt 32 năm qua, Nga luôn sống trong dằn vặt, đau khổ bởi thân hình dị dạng của mình. Trước đây, Nga cũng có theo học văn hóa nhưng ước mơ đại học bị dang dở do thân thể không lành lặn. Được sự giới thiệu của Trung tâm chất độc da cam Đà Nẵng, Nga tham gia học chương trình này đã được 2 tuần. Nga nói tiếp: “Lúc đầu, mình tiếp xúc với máy tính vô cùng khó khăn, nhưng sau một thời gian, đã dần làm quen với bàn phím, mình sẽ cố gắng hơn nữa để học tập được tốt hơn”.
Kế bên Nga là học viên Nguyễn Trường Minh, 20 tuổi, quê Quảng Nam. Dù sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng lớn lên Minh bị căn bệnh viêm não Nhật Bản làm bại liệt hai chi dưới, gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như đi lại. Minh tâm sự: “Mẹ em mất sớm, nhà chỉ còn 3 bố con. Hằng ngày, bố em đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Khi ra Đà Nẵng để theo học chương trình này, gia đình lo lắng cho em lắm, nhưng được thầy cô và bạn bè giúp đỡ nên gia đình cũng yên tâm nhiều. Em chỉ mong nhanh chóng hoàn thành khóa học và kiếm được công việc ổn định để giúp đỡ phần nào cho gia đình”.
Có mặt tại lớp học, anh Nguyễn Trọng Tùng – Cán bộ dự án ITTP cho biết: “Hầu hết các em ở đây đều có hoàn cảnh vô cùng éo le. Mỗi em một hoàn cảnh, có em bị dị tật bẩm sinh, có em bị tai nạn gây biến chứng hình thể, cũng có em bị bệnh tật nên trí não và thân thể phát triển không đồng đều nên các em luôn có sự mặc cảm với xã hội. Tuy vậy, các em tụ họp về đây học tập đều mang trong mình những khát khao và hoài bão cháy bỏng là muốn hòa nhập với cộng đồng xã hội, thực hiện ước mơ của mình”.
Những ước mơ không bao giờ tắt
Mỗi học viên đến đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều đặc biệt là họ đều có chung sở thích, đó là cùng đam mê ngành CNTT với hy vọng đây là “chìa khóa vạn năng” giúp họ trở thành một người có ích cho xã hội
Học viên Nguyễn Thị Nga tâm sự: “Ước mơ lớn nhất của em là sẽ trở thành một nhân viên thiết kế đồ họa, em sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học tập thật tốt với hy vọng rằng sau khi kết thúc khóa học em sẽ nhận được một công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân mình. Hơn nữa, em cũng muốn khẳng định với mọi người rằng dù khuyết tật nhưng em vẫn là người có ích cho xã hội”.
Còn Nguyễn Trường Minh thì nói: “Trước khi vào học ở đây em cũng đã làm qua vài công việc thủ công như đan lát, thêu thùa, nhưng em thấy không phù hợp và rất khó vận động được lâu. Nay theo học chương trình CNTT ở đây em thấy rất phù hợp với mình. Hơn nữa, em cũng rất đam mê CNTT, hi vọng sau khóa học em sẽ trở thành một nhân viên thiết kế website”.
Khi được hỏi về năng lực học tập của các học viên khuyết tật, thầy Đặng Văn Nghĩa cho biết: “Các học viên khuyết tật rất đa dạng, có em bị khiếm thị, có em bị dị tật bẩm sinh tay chân hoạt động rất khó, vì vậy khả năng tiếp thu cũng như thao tác trên máy tính không cao. Khi dạy những học viên này, đòi hỏi giáo viên cần phải kiên trì và nhiệt huyết. Thêm vào đó, thầy giáo cũng phải sáng tạo ra những phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, giúp các em nhanh chóng nắm bắt được kiến thức một cách nhanh nhất, như trình chiếu slide, viết bảng truyền thống và sử dụng ngôn ngữ kí kiệu bằng tay cho học viên khuyết tật câm điếc”.
Với những học viên khuyết tật, khả năng cạnh tranh để tìm việc làm như những người bình thường khác là không cao. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Nguyễn Trọng Tùng cho biết: “Đây quả thật là điều trăn trở nhất đối với chúng tôi. Trước khi triển khai dự án này, chúng tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn và nhận được thiện chí của họ. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp như IMS, PFT, Công ty Vĩnh Phúc đã tiếp nhận các học viên đến học việc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cử các giáo viên đi kèm để hỗ trợ những khó khăn ban đầu cho các học viên. Hi vọng sau thời gian học việc, các học viên sẽ tìm được chỗ đứng trong các Công ty này”.
Dự án ITTP sẽ kéo dài đến năm 2015
Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, Chương trình ITTP còn gọi là chương trình đào tạo CNTT cho người khuyết tật, được cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thực hiện nhằm giúp học viên khuyết tật phát triển đầy đủ tiềm năng của mình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để triển khai dự án, nhà trường đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Chi hội người khuyết tật tại các địa phương giới thiệu chương trình này đến các học viên. Để được tham gia vào khóa học, các học viên ngoài việc đáp ứng đầy đủ một số tiêu chí như: độ tuổi từ 16 – 35, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên… còn phải tham gia xét tuyển thông qua phỏng vấn. Theo lộ trình, dự án ITTP sẽ kéo dài từ nay đến năm 2015 với khoảng hơn 250 học viên, Chương trình đào tạo hệ Trung cấp chuyên nghiệp và Kỹ thuật viên (thiết kế đồ họa, lập trình, phát triển website) với thời gian học là 6 tháng/khóa học. Đến thời điểm hiện tại, chương trình ITTP đang đào tạo 4 khóa học với số lượng 97 học viên. Sau khi được đào tạo, dự kiến có khoảng 80% học viên sẽ có việc làm và thu nhập ổn định. Dự án có giá trị gần 9 tỉ đồng, trong đó, tổng số vốn đối ứng do Trường Đại học Đông Á đóng góp gần 2,7 tỉ đồng. Trường Đại học Đông Á là đối tác đầu tiên và duy nhất tại miền Trung và Tây Nguyên được lựa chọn để thực hiện dự án này.
Theo Ictnews.vn