|
4 năm qua, rất nhiều người đã bị lỗ hổng của Microsoft Office tạo cổng hậu cho tin tặc đánh cắp dữ liệu cá nhân, dù họ thường xuyên cập nhật bản vá của nhà sản xuất. |
Theo công bố chiều ngày 22/7/2013 của Công ty An ninh mạng Bkav, lỗ hổng MS13-051 tồn tại trong cơ chế xử lý ảnh PNG của Microsoft Office suốt 4 năm qua, đã được giới tội phạm mạng khai thác từ năm 2009 và chỉ vừa được vá vào tháng 6/2013. Phương thức hoạt động là tin tặc (hacker) tạo một file văn bản Word đã cài mã độc, với nội dung hấp dẫn để dẫn dụ người dùng mở file. Chỉ cần file được mở, lập tức virus sẽ được kích hoạt, tạo cổng hậu để hacker chiếm quyền điều khiển hệ thống từ xa.
Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng, đã khiến rất nhiều người sử dụng bị theo dõi, đánh cắp, thay đổi dữ liệu... mà không hề hay biết, bất kể họ vẫn thường xuyên cập nhật các bản vá lỗi của nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Bộ phận An ninh mạng của Bkav cho biết: “Gần đây, Bkav phát hiện nhiều biến thể virus khai thác lỗ hổng này tại Việt Nam. Kẻ khai thác sử dụng chủ đề nóng về xung đột Biển Đông để dụ dỗ người dùng mở file. Trước đó, các nước Châu Á khác cũng là mục tiêu, như Malaysia và Indonesia”.
Bkav khuyến cáo, người sử dụng nên nâng cấp lên phiên bản Microsoft Office lớn hơn 2003. Để phòng ngừa bị lây nhiễm mã độc từ các file văn bản, các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng cần cài đặt phần mềm diệt virus có khả năng ngăn chặn và chống phần mềm gián điệp. Bên cạnh đó, người dùng cần tăng cường sử dụng công nghệ Safe Run (Thực thi an toàn) của phần mềm diệt virus để mở những file văn bản đáng ngờ. Khi bật chế độ Safe Run, thậm chí người dùng vô tình mở file chứa virus thì cũng vô hại với hệ thống.
Đồng thời, Bkav cũng công bố thông tin về tình hình virus và an ninh mạng tháng 7/2013. Trong tháng 7 đã có 2.480 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 5.337.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất là W32.Sality.PE lây nhiễm trên 443.000 lượt máy tính. Bên cạnh đó, đã có 325 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 14 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 311 trường hợp do hacker nước ngoài.
Theo Ictnews.vn