Trong số khoảng 20 triệu game thủ Việt hiện nay, thì game thủ nam vẫn chiếm đa số, và độ mê các game đánh nhau của game thủ nam trội hơn hẳn.
Theo ông Thành, khi nhóm của ông làm game MyFish tung ra thị trường, game thủ Việt chỉ chơi nhiều vào khoảng ba tháng đầu, còn sau đó dần tuột dốc khi bắt đầu đưa ra kế hoạch thu phí. MyFish là loại game đời thường, với những thao tác như trồng cây, nuôi cá... Sự tuột dốc cho thấy nội dung đơn điệu dần đi vào lối mòn.
Lãnh đạo VNG khi ấy đã đưa ra quyết định đóng cửa game này vì không hiệu quả. Tuy nhiên, theo như ông Thành cho biết, ông đã xin gia hạn thêm hai tháng. Trong hai tháng đó, từ một game nuôi cá có đối tượng người chơi trọng tâm nhắm vào giới nữ trẻ, nhóm đã chuyển hướng sang phiên bản mới, những con cá trở thành chiến binh cá, đánh nhau, đậm tính đối kháng. “Gamer VN rất thích đánh nhau. Cứ có đánh nhau là dễ thu được tiền”, ông Thành nói.
Tám tháng sau khi tung ra phiên bản mới MyFish hồi sinh, không những người chơi quay lại và tăng lên, mà đa số là nam, doanh thu cũng tăng theo. Đánh nhau, hay nói văn hoa hơn là tính đối kháng, còn nói theo màu tiêu cực là tính bạo lực, là yếu tố thu hút game thủ Việt mạnh mẽ.
Tuy nhiên theo chia sẻ của ông Lê Hồng Minh-Tổng giám đốc của VNG, game Việt đầu tiên được Cty này đầu tư thực hiện là Thuận Thiên Kiếm, mất đến 3,5 năm để thiết kế, đồ họa, với 50 tính năng tổng hợp từ các game từng chơi v.v…, nhưng phát hành được 2,5 năm phải đóng cửa. Lý do: Game không hay.
Có ý kiến đặt ra: Game hay cứ phải có đánh nhau/tính đối kháng/bạo lực? Không hẳn vậy. Hiện trên mạng xã hội và thông tin từ các nhà phát hành game, không hiếm những game nhẹ nhàng như trồng cây gì nuôi con gì, thu hoạch, thậm chí sang vườn hàng xóm ngắt trộm rau, hoa.v.v…vẫn thu về mỗi tháng gần chục tỉ đồng, coi như thắng lớn, còn các game có đánh nhau ỳ xèo, thì người chơi rơi rụng dần.
Tạm loại trừ những yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, còn về nội dung game, sự hấp dẫn cũng đến từ nhiều yếu tố. Có game thành công vì làm cho người chơi thấy thích vì nhẹ nhàng, gần gũi đời thường, giúp thư giãn nhẹ đầu (như Khu Vườn Trên Mây của VNG). Nhưng cũng có những game lớn thành công và tạo nền tảng tài chính cho các Cty như Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG, hay Thiên Long Bát Bộ của FPT Online…Vì vậy nên hiểu rằng, chia sẻ của ông Thành xuất phát từ một trường hợp cụ thể mà chưa hẳn là một mẫu số chung để đi đến thành công.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, trong số khoảng 20 triệu game thủ Việt hiện nay, thì game thủ nam vẫn chiếm đa số, và độ mê các game đánh nhau của game thủ nam trội hơn hẳn các game thủ nữ, từ đó các hệ lụy tiêu cực cũng hơn hẳn. Lời chia sẻ của ông Thành dù không thể làm mẫu số chung dẫn đến thành công cho những người làm game nhưng nó cũng nói lên một điểm khá chung của game thủ Việt: Thích game có đánh nhau/đối kháng/bạo lực nhiều hơn các game khác.
Vấn đề quản lý ở đây là, các quy định phải đủ chặt để khu biệt, giới hạn mức độ bạo lực trong game. Nếu không còn đánh nhau/đối kháng/bạo lực trong game, chắc chắn người chơi sẽ giảm, các Cty phát hành game sẽ thất thu nặng nề. Ngược lại, game thủ càng thích đánh nhau thì các Cty phát hành game “chúng em” càng phục vụ tận tình chu đáo để gia tăng nguồn thu, chỉ là hệ lụy, tiêu cực có xảy ra thế nào thì là lỗi của…“chúng anh” game thủ đấy nhé.
Theo Laodong.com.vn