|
Một số doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành những nhà cung cấp dịch vụ CNTT không chỉ thị trường trong nước mà cả cho thị trường quốc tế. Ảnh minh họa: Internet |
Cơ hội đã có
Theo nghiên cứu của Vụ CNTT (Bộ TT&TT), thị trường dịch vụ CNTT đang phát triển rất mạnh trên toàn cầu. Trên thế giới, doanh thu ngành dịch vụ CNTT đã chiếm đến 57% doanh thu toàn ngành CNTT. Các doanh nghiệp CNTT cũng chuyển từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang cung cấp dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến và dịch vụ gia công quy trình trên nền CNTT. Tại Ấn Độ, 50% doanh thu CNTT là từ dịch vụ CNTT, còn tại Tập đoàn IBM là 70%.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ CNTT rất đa dạng, phong phú và đủ mọi cấp độ, thời gian gần đây nhu cầu sử dụng dịch vụ CNTT chuyển từ xu hướng truyền thống sang xu hướng mới, đó là: tăng cường sử dụng các dịch vụ được các doanh nghiệp CNTT cung cấp một cách chuyên nghiệp hơn là tự mình xây dựng, sở hữu và khai thác. Các nước trong khu vực ASEAN đã thấy được tiềm năng của lĩnh vực này và có chính sách chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cung ứng dịch vụ CNTT cho thị trường quốc tế. Ví dụ, Philippines có 350.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, Ấn Độ có 300.000 người làm việc trong lĩnh vực gia công phần mềm.
Tại Việt Nam những năm gần đây ngành dịch vụ CNTT bắt đầu phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành những nhà cung cấp dịch vụ CNTT không chỉ thị trường trong nước mà cả cho thị trường quốc tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 nước cung cấp dịch vụ gia công CNTT (ITO) và gia công quy trình bằng CNTT (BPO) tiềm năng hàng đầu của châu Á (gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Philippine, Thái Lan). Một số tập đoàn đa quốc gia như IBM, Micrsoft, Oracle đã có những đề xuất hợp tác với Chính phủ để xây dựng Việt Nam trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ CNTT lớn trên thế giới.
Thiếu nhiều chính sách để thúc đẩy
Theo đánh giá của Vụ CNTT, sự phát triển của thị trường dịch vụ CNTT ở nước ta chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và hầu như chưa có quy định quản lý của Nhà nước. Các quy định về điều kiện kinh doanh cũng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất trong quản lý viễn thông, CNTT và nội dung thông tin điện tử. Mặc dù Luật CNTT năm 2006 đã có các khung quy định chung liên quan đến dịch vụ CNTT, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tế. Thị trường đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có trường hợp xảy ra hiện tượng nhà cung cấp dịch vụ vi phạm quyền riêng tư, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đa số các doanh nghiệp chỉ phát triển manh mún, chạy theo lợi ích ngắn hạn, thiếu bền vững. Điều này làm cho thị trường trở nên lộn xộn, các nhà đầu tư lớn e ngại bỏ vốn đầu tư. Những hạn chế này dẫn đến khó khăn trong kiểm soát thị trường dịch vụ CNTT của nhà nước.
Bên cạnh đó, rất nhiều loại dịch vụ CNTT mới xuất hiện, chưa được pháp lý hóa, thiếu quy định danh mục tổng thể về dịch vụ CNTT, chưa được quy định trong danh mục các ngành kinh tế Việt Nam, chưa có trong hệ thống mã ngành nghề sử dụng cho đăng ký kinh doanh tại Việt Nam dẫn tới một thực trạng là không phân định rõ phạm vi, lĩnh vực, bản chất của dịch vụ. Một hệ quả nữa là sự lẫn lộn về phân loại dịch vụ của các cơ quan quản lý, gây vướng mắc trong đăng ký kinh doanh, khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và áp dụng các chính sách quản lý, thúc đẩy phát triển thị trường. Đồng thời, cũng gây khó cho quá trình hội nhập quốc tế, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ chưa được bảo đảm đúng mức.
Về mặt quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sự dịch chuyển từ xu hướng tăng cường sử dụng các dịch vụ CNTT chuyên nghiệp (thuê bên ngoài) hơn là tự xây dựng, sở hữu và khai thác hệ thống kéo theo thực trạng là thông tin dữ liệu, hoạt động của người sử dụng phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp dịch vụ. Dẫn tới tăng nguy cơ mất an toàn thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ. Do vậy, hoạt động cung cấp dịch vụ cần theo hướng chuyên nghiệp, có định hướng của nhà nước bằng một số phương pháp quản lý (cấp phép, đăng ký,…) đối với một số dịch vụ CNTT nhạy cảm, có khả năng ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, tới an toàn, bảo mật thông tin của người sử dụng nhằm đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ.
Về chính sách ưu đãi, mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển cho lĩnh vực CNTT nhưng lại chưa có quy định cụ thể cho dịch vụ CNTT. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng và triển khai một số chính sách ưu đãi đối với dịch vụ CNTT. Đặc biệt là ưu đãi cao nhất về thuế cho các dịch vụ CNTT có tính chất nghiên cứu phát triển, công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng đồng thời cũng có rủi ro cao.
Ngoài ra, cần lựa chọn một số dịch vụ CNTT để xây dựng cơ chế quản lý như: Dịch vụ có khả năng tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân; dịch vụ có khả năng gây thiệt hại lớn về kinh tế; dịch vụ có thể gây tranh chấp về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ; những dịch vụ có thể gây ảnh hưởng đến an toàn thông tin.
Theo Ictnews.vn