Báo Tuổi trẻ thông tin bị tấn công DDoS khiến độc giả khó truy cập trong thời gian qua. (Ảnh: Vietnam+)
Đây là nỗ lực của diễn đàn HVA Online và cộng đồng mạng trong việc trợ giúp các trang báo điện tử Việt Nam trước cuộc tấn công lớn của tin tặc bằng hình thức DDoS trong suốt hai tuần qua.
Anh Phúc cho hay, khi biết các báo bị tấn công, HVA Online đã thực hiện việc theo dõi cuộc tấn công này bằng nhiều cách, trong đó có việc cung cấp một công cụ kiểm tra khả năng bị lây nhiễm mã độc tấn công DdoS.
Qua đó, người dùng có thể kiểm tra xem máy tính của mình có đang trở thành thành viên của mạng máy tính ma hay không thông qua www.antibotnet.tk. Nếu công cụ thông báo máy “Có nguy cơ bị nhiễm” cùng với dấu hiệu máy tính đang truy cập mạng chậm và trong vòng 10 ngày qua chưa khởi động lại modem thì nhiều khả năng máy tính của người dùng đã nằm trong mạng máy tính ma lớn nhất Việt Nam.
Trong trường hợp này, HVA Online đề nghị người dùng liên lạc về địa chỉ hvaddosresponseteam@gmail.com để được hướng dẫn cách lấy mẫu virus cũng như gỡ bỏ.
Độc giả có thể tự kiểm tra xem máy tính của mình có nằm trong mạng máy tính ma hay không theo hướng dẫn của HVA Online. (Ảnh: Vietnam+)
Vẫn theo anh Phúc, chính nhờ sự tích cực tham gia hỗ trợ của cộng đồng mạng mà HVA Online đã truy tìm ra mẫu virus, thực hiện phân tích mẫu thu thập được để truy tìm các máy chủ điều khiển tấn công các báo mạng trong thời gian qua. Và, HVA Online đã tìm được một số máy chủ phát lệnh tấn công được đặt tại Công ty Lease Web GmbH của Đức.
“Chúng tôi đã thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ về việc hosting của họ đang lưu trữ các máy chủ kiểm soát mạng máy tính ma ở Việt Nam. Đến sáng 16/7, các máy chủ ấy đã tạm thời bị vô hiệu hóa,” anh Phúc nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết “cũng chưa xác định được nhà cung cấp dịch vụ vô hiệu hóa máy chủ, hay chính hacker làm việc này”.
Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, hiện việc truy cập vào các báo điện tử đã khá dễ dàng. Tuy nhiên, việc hacker có quay trở lại tấn công vẫn là một nguy cơ thường trực.
HVA Online và cộng đồng mạng sẽ tiếp tục gửi mẫu virus đã thu thập được cho các đơn vị chống virus toàn cầu để thực hiện những bước cuối cùng trong việc tiêu diệt mạng máy tính ma này.
Trước đó, Vietnam+ đã đưa tin về một loạt các báo điện tử lớn ở Việt Nam như Tuổi trẻ, Dân trí, VietNamNet và trang thông tin điện tử Kenh14.vn bị tấn công, khiến độc giả nhiều lúc không thể truy cập được.
Tuy là phương thức tấn công không mới, song nó đem lại khá nhiều hiệu quả bởi hacker đã dùng lượng truy cập lớn cùng thời điểm vào website, khiến các tờ báo bị tê liệt trong từng thời điểm nhất định.
Trên website của mình, báo Dân trí và Tuổi trẻ đã đăng tải thông tin xác nhận sự việc cũng như nỗ lực dùng nhiều biện pháp để chống đỡ những cuộc tấn công này./.
Theo Mic.gov.vn