Những năm gần đây, sự khó khăn của kinh tế đang tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước trong đó có doanh nghiệp Viễn thông như VNPT. Để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển, bài toán cơ cấu doanh nghiệp đã và đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh.
Theo các số liệu cụ thể từ báo cáo tài chính năm 2012, VNPT – doanh nghiệp nhà nước đầu đàn trong lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông vẫn là một trong những doanh nghiệp đứng trong top Tập đoàn kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lợi nhuận của tập đoàn trong nhiều năm qua lại “tụt dốc” rất mạnh. Nhiều lĩnh vực kinh doanh chưa hiệu quả, nói đúng ra là không bằng các doanh nghiệp Viễn thông đang hoạt động tốt khác.
Dễ thấy, trong báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm 2013, VNPT đạt 54.255 tỷ đồng và đạt lợi nhuận là 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này tiếp tục thấp hơn Viettel 18,3 tỷ đồng. Nói về những khó khăn của VNPT. Chủ tịch VNPT Phạm Long Trận từng thẳng thắn phát biểu trên báo chí rằng: Vì VNPT tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước nên mô hình cấu trúc, bộ máy, kể cả phương pháp, thái độ phục vụ còn đâu đó mang tính chất không được đổi mới cho nên chậm chạp, phục vụ không tốt, qua đó tác động đến sản xuất kinh doanh, lợi nhuận.
Để hiểu hơn những thành quả và hạn chế, điểm mạnh điểm yếu của VNPT trên bước đường chuyển mình của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhưng năm qua, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một cựu quan chức, lãnh đạo cũ của VNPT.
4 điểm mạnh nhất của VNPT không phải DN nào cũng có...
Nói về VNPT, hơn ai hết ông là người hiểu nhất những điều gì làm nên bước tiến vượt bậc của VNPT trước đây cũng như sự nguyên nhân khiến doanh thu, lợi nhuận của VNPT giảm liên tục trong những năm trở lại đây.
Theo vị cựu lãnh đạo này, sở dĩ VNPT có được vị trí số 1 trong suốt thời gian dài vì họ có những lợi thế nhất định mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Theo đó, có thể kể đến 4 lợi thế lớn nhất của VNPT khi bước vào thị trường cạnh tranh xóa bỏ độc quyền của viễn thông.
Thứ nhất là cơ sở kỹ thuật của mạng lưới dịch vụ của VNPT, bao gồm các trạm BTS (thu phát sóng), mạng lưới di động với hai mạng di động Vinaphone và Mobifone, hệ thống cáp quang, vệ tinh, cáp điện thoại, điện thoại cố định, Internet…; Thứ hai, VNPT có thế mạnh về thương hiệu, khi nhắc đến viễn thông Việt Nam từ người dân cho đến doanh nghiệp cơ quan chính quyền quen với thương hiệu VNPT;
Thứ ba đó chính là con người. VNPT có nền tảng là đội ngũ nhân viên kỹ thuật có trình độ cao, được đào tạo chuyên nghiệp. Ngay cả sau này khi Viettel phát triển thì nhiều nhân viên, con người ưu tú của Viettel bây giờ trước đây đều thuộc VNPT; Cuối cùng lợi thế của VNPT chính là tài chính.
“Tôi nhớ ban đầu thì doanh thu Viettel chưa bằng 1/3 so với tổng doanh thu của VNPT” – ông cho biết.
...và 2 "lỗ hổng" cốt tử
Trước những con số về doanh thu và lợi nhuận của VNPT liên tục giảm trong những năm qua và hiện nay đang bị nhiều đơn vị viễn thông cạnh tranh trong đó lớn nhất là Viettel, vị cựu lãnh đạo này của VNPT thì việc Viettel vượt lên trên VNPT một phần vì Viettel đã thành công với chiến lược kinh doanh của mình. Một phần vì bản thân VNPT đang có hai yếu điểm then chốt:
Thứ nhất chính là tư tưởng, tư duy không chỉ cán bộ nhân viên mà cả lãnh đạo của VNPT trong một khoảng thời gian. Một giai đoạn mà tư duy quan liêu bao cấp vẫn còn nặng nề, tư duy độc quyền của VNPT đã khiến họ chậm chuyển mình có phần chậm khiến VNPT dần mất đi vị thế.
Thứ hai chính là cơ chế nội bộ của VNPT, cụ thể hơn là cơ chế về tiền lương, về kiểm soát tài chính. Điều này hoàn toàn ngược với Viettel khi họ áp dụng chính sách “5% vào, 5% ra” nghĩa là mỗi năm có 5% mới vào và 5% bị đào thải do không đáp ứng hiệu quả công việc.
“Tuy đến thời điểm này cả hai yếu điểm này đang được VNPT khắc phục nhưng rõ ràng sự chậm trễ, chậm đổi mới tư duy khiến VNPT mất đi vị trí số 1 trên thị trường viễn thông ở Việt Nam” – Vị cựu lãnh đạo này nhận định.
Nói đến Viettel chính bản thân vị cựu lãnh đạo VNPT cũng thừa nhận: “Tôi là người VNPT (tôi vẫn nói thế trước mặt mọi người) vì thế khi quyết định xóa bỏ độc quyền trong viễn thông thì chúng tôi vẫn tìm mọi cách giúp cho VNPT có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác như vấn đề chênh lệch giá cước. Viettel so với VNPT họ không có được lợi thế như vậy”.
Nói đến sự thành công của Viettel vị này cho biết sở dĩ Viettel lớn mạnh vì họ có được 2 điểm mạnh mà từ đây làm nên thành công cho Viettel. Thứ nhất chính là bản lĩnh người lính trong kinh doanh, cái tinh thần sức mạnh người lính trong kinh doanh; Thứ hai nữa điều Viettel làm được chính là đi sâu vào đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật trong ngành viễn thông. Khi đi sâu phát triển công nghệ chiếm lĩnh thị trường rộng lớn ở Việt Nam chính là nông thôn từ đó làm bàn đạp vươn ra các nước.
“Ban đầu ngay bản thân tôi cũng lo lắng cho chiến lược đầu tư ở nước ngoài của họ nhưng nhìn lại tới thời điểm này họ đang rất thành công” – Vị này cho biết.
Theo Giaoduc.net.vn