|
Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc SEV trả lời truyền thông |
Đó là thông tin được ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc của SEV khẳng định trong cuộc gặp gỡ với truyền thông vào ngày 9/7 vừa qua.
Phát triển nhanh đến chóng mặt
Chính thức khai trương vào năm 2009, lúc này SEV vẫn ở quy mô trung bình và có tổng số vốn đầu tư 670 triệu USD, nhưng ngay sau đó khu tổ hợp công nghệ này đã có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, đến năm 2012, Samsung đã nâng số vốn đầu tư lên 2,5 tỉ USD (hiện tại vốn đã giải ngân là 1,2 tỉ), đến tháng 6/2013 thu hút 38.014 lao động và nằm trong khuôn viên rộng tới 110 ha (đã sử dụng 55ha).
|
Một khẩu trong sản xuất sản phẩm của SEV |
Sản phẩm của SEV gồm điện thoại di động, máy tính bảng, máy hút bụi và các thiết bị điện tử khác… Với sự đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại và ứng dụng những công nghệ mới nhất của tập đoàn, năm 2012, SEV đã xuất xưởng hơn 100 triệu sản phẩm/năm (sản xuất smartphone chiếm 59%), trong đó hơn 95% được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các thị trường quan trọng như EU, Trung Đông, Nga và các nước châu Á và đạt kim ngạch xuất khẩu 12, 6 tỉ USD, chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
|
Dây chuyền sản xuất của nhà máy được đầu tư rất hiện đại |
Đồng thời với sự phát triển như trên, SEV đã trở thành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trong tổng số 8 nhà máy mà họ đã đầu tư trên toàn thế giới.
|
Công nhân được đào tạo kỹ lưỡng trước khi bắt đầu vào công việc |
Một điều đáng chú ý là SEV cũng thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động, với 200 xe đưa đón công nhân hoạt động mỗi ngày, hỗ trợ việc ăn ở cho công nhân tại nơi làm việc lẫn ký túc xá, thực hiện đào tạo nâng cao tay nghề tại trung tâm đào tạo với 20 lớp học, tổ chức các hoạt động phong trào để cho công nhân tham gia…Ngoài ra, hàng loạt hoạt động phúc lợi xã hội cũng được SEV thực hiện như trao tặng thư viện thông minh, trao học bổng cho các trường học, hưởng ứng ngày nước thế giới, ngày môi trường thế giới, hiến máu tình nguyện, trao tặng xe lăn cho người khuyết tật tỉnh Bắc Ninh…
Chuyện thuế và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ trong nước
Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện về nghĩa vụ thuế của SEV đối với Nhà nước trong thời gian qua, nhiều người cho rằng với quy mô như trên, nhưng việc đóng thuế của SEV với Nhà nước là không đầy đủ…
Giải thích vấn đề này, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc SEV cho biết, theo quy định tại Việt Nam, SEV được xếp vào doanh nghiệp công nghệ cao và mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp phải đóng là 10%. Tuy nhiên, là doanh nghiệp công nghệ cao nên SEV được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách nhà nước. Cụ thể, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và chỉ phải đóng 50% mức thuế suất quy định trong 9 năm tiếp theo.
|
Với qui mô của mình, SEV đã thực hiện đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước |
Và mặc dù được hưởng những ưu đãi kể trên, nhưng ngay từ năm đầu hoạt động SEV đã tham gia đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Ninh, năm 2009 SEV đã nộp thuế 19,74 tỉ đồng, sau đó với doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng, năm 2010 SEV đã nộp ngân sách 82,52 tỉ đồng, năm 2011 là 137, 67 tỉ đồng và năm 2012 gần 425 tỉ đồng bao gồm các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Nếu tính tất cả các loại thuế như nhập khẩu, giá trị gia tăng… mà phía hải quan thu, thì tổng cộng đến hết năm 2012, SEV đã đóng góp 3,204 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do các quy định về thuế và được hưởng các chính sách ưu đãi, nên tổng số thu nội địa của SEV ở Bắc Ninh cho tới cuối tháng 12/2012 đạt khoảng 680 tỉ đồng (bao gồm cả thuế nộp thay nhà thầu, trong đó phần thuế của riêng SEV là trên 217 tỉ đồng). Và theo số liệu thống kê mới nhất trong 5 tháng đầu năm 2013, SEV đã nộp ngân sách tổng cộng 35,4 triệu USD, với các khoản được khấu trừ khoảng 18 triệu USD, số thực nộp ngân sách của SEV còn 17, 292 triệu USD (tương đương 365 tỉ đồng).
Về câu chuyện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nội địa rất khó tham gia vào quy trình sản xuất của SEV, do đã có đối tác truyền thống đảm nhiệm. Việc này cũng được ông Shim Won Hwan giải thích rõ. Theo đó, hiện nay SEV chủ yếu sản xuất các điện thoại thông minh đòi hỏi cao về linh kiện, trong khi đó các nhà cung cấp nội địa không đáp ứng được, chính vì thế SEV phải nhập từ các đối tác nước ngoài. Chính vì thế, trong 60 đối tác mà SEV đang làm việc chủ yếu các đối tác lâu đời từ Hàn Quốc là chính, thực tế các đối tác này cũng chuyển giao lại cho một số doanh nghiệp trong nước thực hiện một số công việc do mình đảm nhận, Theo đại diện SEV, năm 2012 tỉ lệ nội địa hóa chỉ chiếm 16% và SEV có 5 đối tác Việt Nam, nhưng do trình độ chưa cao nên chủ yếu tham gia vào công đoạn đóng gói sản phẩm, bao bì, in ấn…là chính. Với việc sẽ phát triển lên 100 đến 200 nhà cung cấp trong tương lai, SEV hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ là đối tác trực tiếp của SEV, sau khi nhận được chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
Về cơ bản, theo ông Shim Won Hwan, để phát triển các doanh nghiệp cung cấp nội địa, cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp phát triển, còn doanh nghiệp phải đầu tư phát triển công nghệ mới thành công được.
Theo Ictnews.vn