Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 11/07/2013
"Mấy ông quản lý có chơi game đâu!"

Gần 3 năm sau khi cơ quan quản lý nhà nước áp dụng chính sách "nói không" với việc cấp phép game online, hầu hết các doanh nghiệp game trong nước đều dở sống dở chết. Lợi nhuận từ thị trường game trong nước ồ ạt chảy vào túi các doanh nghiệp game nước ngoài.

Chính ta loại mình

Tại hội nghị "Nâng cao quản lý trò chơi trực tuyến" do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 3.7 ở Hà Nội, câu chuyện được ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc điều hành FPT online - kể khiến nhiều người chạnh lòng: "FPT online hiện đang rơi vào khủng hoảng, 2 năm qua liên tiếp tăng trưởng âm, doanh thu tính trên mỗi khách hàng giảm mạnh... Trong 3 năm gần đây FPT được cấp phép 5 game online (G.O) nhưng đã có 4 game chết yểu ngay trong phòng nghiên cứu, chỉ còn 1 game sống lây lất do có hàng loạt game không phép xuất hiện, cạnh tranh không lành mạnh...".

Một hội chợ giới thiệu game online tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Câu chuyện lâm nguy của các doanh nghiệp (DN) ngành game có lẽ phải quay lại thời điểm tháng 10.2010. Khi đó Chính phủ đã có Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý internet và thông tin điện tử. Sau đó, đứng trước lĩnh vực G.O còn quá mới mẻ và gây tác động sâu rộng trong xã hội nên Thông tư 60 về quản lý G.O của Bộ TT-TT đã siết chặt việc cấp phép G.O. Thực tế sau đó chỉ có các DN lớn làm ăn nghiêm túc bị siết chặt bởi "chiếc vòng kim cô" cấp phép, còn những DN làm ăn chụp giật vẫn tiếp tục sống khỏe.

Tôi xem qua dự thảo thì cũng không mới hơn. Mấy ông quản lý có chơi game đâu, có hiểu game là thế nào đâu. Do đó, chính sách phải là do chính các doanh nghiệp đề xuất...

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ TT-TT - nhìn nhận: "Từ khi Bộ TT-TT dừng cấp phép G.O để chờ quy định mới thì đa số các G.O đã được cấp phép không còn hấp dẫn người chơi do vòng đời rất ngắn, các sản phẩm mới không được cấp phép đã khiến các DN rơi vào bế tắc, phải lựa chọn tồn tại hay không tồn tại".

Chỉ tính riêng hai năm 2011 -2012, Thanh tra Bộ TT-TT đã xử phạt 14 DN với tổng số tiền 577 triệu đồng. Ông Hùng cho biết: "Có những DN bị phạt nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm. Hiện nay 100% các DN hoạt động đều có sản phẩm phát hành ra thị trường mà chưa được cấp phép, vi phạm quy định về quản lý trò chơi trực tuyến, nếu làm nghiêm theo quy định thì chắc chắn DN nào cũng bị xử lý".

Chính vì các quy định lạc hậu, không theo kịp thực tế nên các DN đang bị đặt vào thế chân tường, hoặc giải thể hoặc bắt buộc vi phạm để tồn tại. Trong khi đó các DN game nước ngoài nhận thấy DN trong nước gặp khó khăn về thủ tục hành chính đã chủ động Việt hóa trò chơi, liên kết với một số cá nhân trong nước thành lập DN mới, cung cấp trực tiếp các trò chơi thu phí qua thẻ cào hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Trên thị trường hiện nay có ít nhất 4 DN game nước ngoài vào VN cung cấp hàng chục trò chơi trái phép thông qua một số cá nhân và tổ chức của VN, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cũng như các quy định quản lý của VN... Việc Bộ TT-TT ngưng cấp phép kéo dài đối với G.O cũng đã khiến chiến lược kinh doanh của DN hoàn toàn bế tắc. "Chính chúng ta tự loại các DN của chúng ta ra khỏi cuộc chơi ngay chính trên thị trường của mình để các DN nước ngoài thao túng", ông Hùng nhận định.

Mất bao cơ hội

Theo số liệu thống kê của Công ty VNG, DN trong nước bị siết chặt quản lý nhưng nhu cầu giải trí, chơi game của người dân vẫn không giảm. Điều đó thể hiện qua doanh thu toàn ngành game cả nước trong năm 2012 lên đến 6.000 tỉ đồng, với hơn 20 triệu người chơi, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đó là chưa kể khoảng 20.000 tỉ đồng doanh thu gián tiếp từ các dịch vụ liên quan như đại lý internet, cà phê, mua bán thiết bị, điện thoại... Hiện ngành game trong nước đang nuôi sống khoảng 7.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp.

Năm 2010, khi chúng ta siết chặt việc cấp phép G.O thì Trung Quốc đã cử ngay một đoàn quan chức chính phủ sang VN để tìm hiểu... Trong khi đó các DN game của VN đang chịu rất nhiều thiệt thòi, thậm chí đối mặt với cả án hình sự. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nhanh chóng thay thế các quy định lạc hậu, cởi trói cho DN trong nước và đặc biệt tránh hình sự hóa các quan hệ hành chính.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ TT-TT

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty VNG - nói: "Chúng tôi cần một cái nhìn công bằng đối với lĩnh vực game. Lâu nay mọi người cứ nghĩ game là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực xã hội nhưng bản thân người chơi tốt hay xấu, đam mê hay không là do chính họ quyết định và còn nhiều nguyên nhân khác tác động chứ không thể đổ hết mọi tội lỗi cho game. Chúng tôi đã nghiên cứu tại nhiều nước, rất ít nước ban hành lệnh cấm G.O như chúng ta. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia... phát hành game không cần phải xin phép. Trung Quốc phát triển ngành game thành công rực rỡ vì chính sách thúc đẩy phát triển ngành game nội địa của họ. Trong khi đó nhà quản lý VN thì lại đóng chặt cửa với ngành công nghiệp này. 3 năm qua đã làm mất đi biết bao cơ hội. Hiện tại thuế suất phát hành thẻ game tại VN đối với DN nước ngoài là 25% nên còn ít DN dám vào, nhưng chỉ 2 năm nữa thôi, mức thuế đối với loại hình này sẽ giảm còn 0%. Dự báo năm 2018 tại VN sẽ có 50-60 triệu người sử dụng internet, có khoảng 40 triệu người sử dụng smart phone, và trên 1 triệu smart ti vi tích hợp internet. Trong đó hầu hết các ứng dụng sẽ là chơi game. Tiềm năng thị trường còn rất lớn nhưng nếu tiếp tục cách quản lý hiện tại thì tôi nghĩ cơ hội cho DN trong nước cạnh tranh được với nước ngoài là 0%".

Ông Phan Sào Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty VTC online - đồng tình: "Ngành game trong nước hiện nay có khoảng trên 7.000 lao động nhưng tạo ra doanh thu lên đến 250 triệu USD, nếu làm phép tính so sánh thì mỗi lao động ngành game đang tạo ra gấp 10 GDP bình quân đầu người của cả nước. Đây là một ngành công nghiệp thực sự mà cả thế giới đang tận dụng. Như vậy đã đến lúc cần có một cái nhìn công bằng và chuẩn xác hơn cho lĩnh vực này, từ đó có những chính sách quản lý phù hợp và hỗ trợ DN game trong nước phát triển".

Cởi trói

Trước thực trạng khó khăn của DN ngành game cũng như nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm thị trường, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ TT-TT - kiến nghị: Nhu cầu về game trên trị trường rất lớn, nếu DN trong nước bị cấm đoán thì người chơi sẽ tìm đến các game nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần nhanh chóng điều chỉnh các quy định lạc hậu, kiện toàn bộ phận thẩm định cấp phép với tiêu chí theo kịp công nghệ, nhanh nhạy, đáp ứng yêu cầu chính đáng của xã hội, đấu tranh mạnh mẽ với các hoạt động kinh doanh trái phép tại VN.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nhìn nhận: "Đứng ở góc độ quản lý, trong những thời điểm mà yêu cầu xã hội bức bách thì cơ quan quản lý buộc phải có những giải pháp tình thế để bình tâm lại và có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn. Chúng tôi rất chia sẻ những khó khăn của DN nhưng muộn còn hơn không bao giờ làm. Hôm nay tất cả các ý kiến sẽ được chúng tôi lắng nghe và ghi nhận. Xã hội cũng nên có một cái nhìn công bằng hơn, đầy đủ và toàn diện hơn đối với ngành công nghiệp game. Tại sao các nước làm được, làm rất ngon lành, tại sao chúng ta không làm được? Tôi xem qua dự thảo thì cũng không mới hơn. Mấy ông quản lý có chơi game đâu, có hiểu game là thế nào đâu. Do đó, chính sách phải là do chính các DN đề xuất, chứ DN cứ yêu cầu phải có thông tư mới, nghị định mới thay thế các quy định cũ thì có thể cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế".

Ông Đỗ Quý Doãn cho biết Bộ TT-TT sẽ nhanh chóng rà soát các game đã đề nghị cấp phép, trường hợp nào giải quyết nhanh thì sẽ cấp phép sớm, trường hợp nào nhạy cảm chưa đáp ứng đủ tiêu chí thì từ từ cân nhắc và yếu tố phân loại DN uy tín sẽ được tính đến.

Theo Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, các G.O được cấp phép đến thời điểm hiện nay tại VN là 117 game nhưng hiện nay đã ngừng hoạt động 47 game, còn 70 game vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên thị trường đang có đến hơn 200 G.O và 100 game trên điện thoại, như vậy rõ ràng có đến hàng trăm game hoạt động không phép.

Theo Ictpress.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0