Thứ sáu, 19/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 02/07/2013
Bắc Giang tiết kiệm 10 tỷ đồng mỗi năm nhờ văn bản điện tử

Chi phí tiết kiệm được từ việc trao đổi văn bản điện tử thay thế văn bản giấy có thể bù cho sự hụt hơi đầu tư ứng dụng CNTT. Lợi ích sẽ vượt trội nếu việc triển khai văn bản điện tử đạt mức liên thông các cơ quan Nhà nước trên toàn quốc.

Trao doi van ban dien tu.jpg
Một địa phương nhỏ như Bắc Giang cũng tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng/năm nhờ trao đổi văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước là một trong những nội dung được nhiều Sở TT&TT đề xuất với Bộ TT&TT tại hội nghị Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay (1/7), theo phương thức hội nghị trực tuyến với 63 địa phương trên cả nước.

Nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT không chỉ phục vụ cải cách hành chính mà còn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang nêu dẫn chứng: Riêng tại Bắc Giang, chi phí cho việc gửi nhận văn bản trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã mỗi năm tốn khoảng 40 tỷ đồng. Nếu chỉ 50% số lượng văn bản giấy được chuyển sang phương thức gửi nhận văn bản điện tử thì mỗi năm tiết kiệm được vài chục tỷ đồng, đủ tiền để chi đầu tư cho ứng dụng CNTT cho tỉnh (trong bối cảnh rất nhiều dự án CNTT đang bị ngừng trệ vì không bố trí được vốn do chủ trương cắt giảm chi tiêu công - PV).

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT nêu con số cụ thể hơn: Chỉ riêng việc gửi nhận văn bản điện tử thay văn bản giấy đã giúp một địa phương nhỏ như Bắc Giang tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng/năm. Với những địa phương lớn hơn, số tiền tiết kiệm được có thể lớn hơn nhiều.

Nhận thức rõ hiệu quả của văn bản điện tử, nhiều địa phương khác cũng đã và đang dần dần giảm thiểu triệt để văn bản giấy. Điển hình như tại Thái Bình, Giám đốc Sở TT&TT Lê Tiến Ninh cho biết đến nay, 100% văn bản đến theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Thái Bình đã được số hóa trên hệ thống thông tin của tỉnh (ngoại trừ văn bản mật và những loại văn bản đặc thù như đơn thư khiếu nại, tố cáo,…) và trao đổi điện tử trên hệ thống. Trên 60% các văn bản trao đổi điện tử đã ứng dụng xác thực điện tử (dùng chữ ký điện tử).

Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương chưa thực sự coi trọng đúng mức tiềm năng, hiệu quả của hoạt động trao đổi văn bản điện tử. Một trong những nguyên nhân được ông Chu Xuân Trường, Giám đốc Sở TT&TT Điện Biên “bắt mạch” là hiện đã có nhiều quy định về đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử nhưng mới chỉ dừng ở mức khuyến khích, chỉ đạo chung chung. “Bộ TT&TT cần tham mưu Chính phủ ban hành thông tư hoặc hướng dẫn của Bộ hoặc Nghị định của Chính phủ quy định bắt buộc ứng dụng CNTT và thực hiện văn bản điện tử trong quá trình điều hành. Trên cơ sở đó, các địa phương bắt buộc phải bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện. Hơn thế, không chỉ dừng ở mức trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan trong cùng một địa phương mà cần phải tính tới việc liên thông văn bản điện tử giữa cấp địa phương với cấp Trung ương để tăng hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước”, ông Trường đề xuất.

Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các địa phương, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT chia sẻ: Thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cách đây khoảng 1 tuần, Bộ TT&TT đã gửi Văn phòng Chính phủ dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Văn bản đôn đốc này ra đời sẽ thúc đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước thời gian tới.

Riêng về giải pháp liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương, Bộ TT&TT đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và đã tìm hiểu nhiều giải pháp hữu hiệu. Đầu năm 2013, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 512 hướng dẫn kỹ thuật kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản điều hành, là cơ sở kỹ thuật cho việc các hệ thống có thể trao đổi văn bản điều hành với nhau. Cục Ứng dụng CNTT đã trình lãnh đạo Bộ phương án triển khai hệ thống trao đổi văn bản điện tử toàn quốc. Lãnh đạo Bộ đang xem xét và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống sẽ được triển khai, góp phần đảm bảo kết nối liên thông toàn bộ các phần mềm quản lý văn bản điều hành hiện đang được triển khai trong các cơ quan Nhà nước, có thể có hệ thống trung gian trung chuyển tất cả các văn bản điện tử từ Trung ương đến địa phương.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0