Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/06/2013
Đầu tư cho CNTT: Cần có một tỷ lệ ngân sách cụ thể

Nếu như trước đây, công nghệ thông tin được coi là “hạ tầng của hạ tầng,” thì tại Diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam 2013 (Vietnam ICT Summit 2013) mới đây đã được nâng tầm thành “phương thức phát triển.”

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Mạnh Linh/TTXVN)

Nhưng, "phương thức phát triển" đó chỉ thật sự đem lại hiệu quả khi mà nó thực sự được coi trọng, có một chiến lược đúng nghĩa, một con số cụ thể nằm trong ngân sách đầu tư của Nhà nước, của từng ngành, của từng doanh nghiệp...chứ không phải là đầu tư kiểu "cơm thừa canh cặn."

Chuyện "cơm ăn, áo mặc"

Trong nhiều năm trở lại đây, với rất nhiều người, công nghệ như “cơm ăn, áo mặc” hàng ngày. Bằng chứng là ở đô thị hay nông thôn, miền núi, thậm chí hải đảo xa xôi, đi đâu cũng có thể bắt gặp những chiếc điện thoại di động hay online để giao dịch trên Internet… Có thể nói, các ứng dụng công nghệ thông tin đã đi vào đến từng "hơi thở" cuộc sống.

Phát biểu chỉ đạo tại Vietnam ICT Summit 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định vai trò của công nghệ thông tin đang hình thành nên xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực, từ hạ tầng thông minh, đô thị thông minh… đến Chính phủ thông minh, quốc gia thông minh.

Trong những năm qua, công nghệ thông tin cũng đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP và nó cũng góp phần thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Việt Nam đã đứng trong Nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định công nghệ thông tin là trục kết nối chính và là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… thực hiện bảy nhiệm vụ, giải pháp để đưa công nghệ thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới.

[7 "chìa khóa" nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia]

Nhiều chuyên gia cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng đã “nâng tầm” của công nghệ thông tin từ hạ tầng lên phương thức phát triển mới. Điều này đồng nghĩa với việc, các cơ quan, ban ngành… cần phải có một chiến lược rõ ràng hơn để công nghệ thông tin thực sự trở thành chìa khóa cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Hết thời "chiếu dưới"?

Trước đó, trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch tịch Hội đồng quản trị Công ty hệ thống thông tin FPT (đơn vị có thâm niên hơn 17 năm thực hiện nhiều dự án quan trọng về hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam) cho rằng, công nghệ luôn phải ngồi “chiếu dưới” so với các ngành hạ tầng như giao thông, y tế, giáo dục...

Điều này dẫn đến ngành nào muốn đầu tư công nghệ thông tin thì phải viết đề án, trình lên các bộ ngành rồi đợi chờ phê duyệt. Trong khi đó, không phải vị lãnh đạo nào cũng hiểu hết tầm quan trọng của công nghệ… Và đầu tư cho công nghệ luôn là khoản "cơm thừa canh cặn" có dư thì đầu tư, không thì thôi. Vì thế nó luôn ở trong tình trạng phập phù, nhỏ giọt lúc có lúc không, trong khi công nghệ thông tin chính là nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến hiệu suất lợi nhuận của doanh nghiệp và bản chất của nó lại nằm ở chỗ luôn phải được nâng cấp, cập nhật.

Ông Bảo cũng đưa ra một số ví dụ về lợi ích khi ứng dụng công nghệ. Giả dụ, nếu áp dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế thì vẫn ngần ấy diện tích bệnh viện, số lượng bác sĩ, thiết bị, máy móc nhưng hiệu quả đã tăng gấp 3-4 lần. Trong khi đó, chi phí đầu tư công nghệ nhỏ hơn nhiều so với xây mới một bệnh viện khác…

[Công nghệ thông tin: Mong được hết cảnh “vét nồi”]

Cùng chia sẻ quan điểm này của ông Đỗ Cao Bảo, nhiều chuyên gia cho rằng, để công nghệ thông tin thực sự trở thành phương thức phát triển mới, các bộ, ngành, doanh nghiệp, giới chuyên gia… cần thực hiện nghiêm túc những giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Quan trọng nhất đó là,từ Nhà nước đến các ngành, các doanh nghiệp đều phải coi ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc của ngành mình, doanh nghiệp mình.

Ở tầm vĩ mô, thì công nghệ thông tin cần được tính đến là một cấu thành không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư; trước mắt là trong cải cách hành chính, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị.

Tiến sĩ Trương Gia Bình, chủ tịch Hiệp hội phần mềm Vinasa, đồng thời là CEO đầu não của Công ty Công nghệ thông tin có doanh số lớn nhất Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm: "những yêu cầu này phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật chứ không thể chỉ hô hào, nói chung chung. Và, đây là chính con đường ngắn nhất để Việt Nam có cơ hội đuổi kịp các quốc gia phát triển."

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ chiều 24/6, ông Đỗ Cao Bảo nhận định, hiểu công nghệ thông tin là phương thức phát triển mới chính là việc tái cấu trúc nền kinh tế. Điều này phải được thực hiện từ quyết sách của Đảng, Chính phủ.

Theo ông Bảo, nếu như khoa học công nghệ được dành 2% ngân sách, giáo dục, y tế... cũng được một khoản nhất định thì công nghệ thông tin cũng phải được chia ngân sách bằng con số cụ thể để phát triển.

Ngoài ra, các công trình, dự án phải có kinh phí dành riêng cho công nghệ thông tin. Vị chuyên gia này cũng đưa ra ví dụ về việc khi vay vốn của Ngân hàng Thế giới để làm đường thì bao giờ cũng kèm điều kiện phải trích một số tiền nhất định đầu tư vào công nghệ thông tin để quản lý, quản trị khi vận hành con đường ấy.

"Họ tin rằng khi đầu tư vào công nghệ thông tin thì hiệu quả đầu tư vào con đường ấy sẽ cao hơn,” ông Bảo kết luận./.

Một số chỉ đạo trọng tâm của Đảng và Nhà nước về công nghệ thông tin:

Tháng 1/2012, Nghị quyết TW số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, cần ưu tiên đầu tư.

Trước đó, năm 2010 Chính phủ đã triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.

Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa các lĩnh vực hạ tầng kinh tế xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng thông minh cho sự phát triển hiện đại.

Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư 2013-2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho mọi giao dịch của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Theo Vietnamplus.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0