Tianhe-2, do Đại học Công nghệ quốc phòng quốc gia Trung Quốc phát triển, đạt tốc độ đáng nể: 33,86 petaflop, hay 33,86 triệu tỷ phép tính mỗi giây. Trong khi đó, cựu vương Titan của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đứng thứ hai với tốc độ chỉ bằng một nửa là 17,59 petaflop.
Ba vị trí còn lại là Sequoia của Mỹ đạt 17,17 petaflop, K của Nhật Bản với 10,51 petaflop và Mira của Mỹ 8,59 petaflop.
|
Hệ thống Tianhe-2.
|
Tianhe-2 được xây dựng hoàn toàn dựa trên công nghệ của Intel. Nó gồm 16.000 giao điểm, mỗi điểm chứa 2 vi xử lý Xeon Ivy Bridge và 3 Xeon Phi, tức đạt tổng cộng 3.120.000 nhân xử lý. Sức mạnh của cỗ máy này cho thấy sự thay đổi chóng mặt trong lĩnh vực siêu máy tính qua các giai đoạn ngắn. Trước đó, Tianhe-1 của Trung Quốc cũng từng leo lên ngôi vị cao nhất (trước khi bị Mỹ lật đổ vào tháng 11/2010) và chỉ đạt 2,56 petaflop mỗi giây.
Horst Simon, Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), nhận định Tianhe-2 là bằng chứng cho những thành tựu vượt bậc của Trung Quốc, cho thấy nước này có khả năng xây dựng hệ thống điện toán lớn nhờ chính sách đầu tư mạnh vào lĩnh vực máy tính tốc độ cao những năm qua.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất về siêu máy tính khi chiếm hơn nửa bảng xếp hạng, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật, Anh, Pháp và Đức.
Theo Sohoa.vnexpress.net