Thứ ba, 26/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/06/2013
Việt hóa kênh truyền hình nước ngoài để bảo vệ quyền lợi người xem

Việc biên tập, biên dịch các kênh truyền hình nước ngoài sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng vì ít người có đủ khả năng xem và hiểu được hết các kênh nước ngoài nếu không có phụ đề tiếng Việt.

truong-sa.jpg
Người dùng sẽ có lợi hơn khi các đài tăng số lượng kênh nước ngoài có phụ đề tiếng Việt. Ảnh minh họa: Internet

Giảm thiệt thòi cho người dùng

Có thể nói việc lược dịch và làm phụ đề các kênh truyền hình nước ngoài sẽ đem lại lợi ích rõ rệt cho người xem. Đơn cử như kênh HBO từ tháng 8/2005 mới được làm phụ đề 3 phim/tuần, Max có 3 phim phụ đề/tuần thì đến năm nay 100% phim truyện được phân phối qua các kênh này có phụ đề tiếng Việt. Mỗi ngày chỉ tính riêng hai kênh này đã có tới 48 giờ phim truyện có phụ đề tiếng Việt, nếu tính tần suất quay vòng là 3 lần/ngày cũng đã có tới 16 giờ phim, mỗi phim 2 tiếng sẽ là 8 phim/ngày.

Việc "Việt hóa" các kênh truyền hình nước ngoài là một trong những động thái giảm thiệt hại cho người xem. Bởi lâu nay các nhà cung cấp truyền hình trả tiền mới chú trọng cung cấp số lượng kênh mà quên mất phần chất lượng nội dung. Các đài đua nhau công bố số lượng kênh từ 60 lên đến 130 kênh, nhưng thực tế có nhiều kênh có cũng như không. Bởi không phải người xem nào cũng có khả năng hiểu hết các kênh nước ngoài, từ tiếng Anh, Nga, Trung, Hàn... Chính vì vậy mặc dù phải trả tiền để mua rất nhiều kênh song thực tế khách hàng chỉ xem và hiểu được nội dung khoảng 1/2 thậm chí là 1/3 số lượng kênh được cung cấp.

Bác Trần Thị Phượng, 65 tuổi (tổ 6, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhà bác dùng truyền hình cáp của VTV (VTVcab) 10 năm nay, giá tăng vài ba lần. Từ 45.000 đồng/tháng nay đã lên tới 110.000 đồng/tháng. Số lượng kênh thì nhiều nhưng rất nhiều kênh nước ngoài mà không có phụ đề tiếng Việt nên vợ chồng bác chưa bao giờ có cơ hội xem. "Hiện nay, số lượng phim truyện và các kênh khoa học được dịch phụ đề tiếng Việt ngày càng nhiều giúp chúng tôi đỡ bị thiệt thòi hơn trước", bác Phượng nói.

Tương tự, anh Phạm Chí Công (ở khu đô thị Làng Đại học, Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM) dùng dịch vụ truyền hình cáp SCTV từ năm 2008 tới nay. Mặc dù có trình độ đại học ngoại ngữ tiếng Anh, nhưng anh Công cho biết, cũng không thể nghe và hiểu hết nội dung các kênh truyền hình nước ngoài mà mình đã bỏ tiền mua. Theo anh Công, việc tăng cường nội dung có phụ đề tiếng Việt là cần thiết và đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ truyền hình.

Các Đài đang nỗ lực thực hiện "Việt hóa"

Trên thực tế, tính đến nay mới có tổng cộng 29 kênh chương trình được cấp phép. Và một số đơn vị như K+ và FPT đã chủ động cắt sóng một số kênh nước ngoài chưa được cấp phép.

Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khi được hỏi về những khó khăn khi thực hiện quy định này đều từ chối bình luận vì cho rằng đây là "vấn đề nhạy cảm". Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho biết sẽ cố gắng thực hiện quy định của Chính phủ ở mức cao nhất.

Chia sẻ với ICTnews về khó khăn trong triển khai Việt hóa các kênh truyền hình nước ngoài, đại diện của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho rằng, khó khăn chung của các Đài là phải có đủ nguồn lực về con người và kỹ thuật để biên tập và biên dịch. Ví dụ: chất lượng dịch phải tốt, giá cả phải chăng và quan trọng hơn cả là kênh này phải có khả năng xin được giấy phép của Bộ TT&TT.

Với quy định của Chính phủ thì chỉ có các Đài Truyền hình hoặc đơn vị được các Đài ủy quyền mới được đứng ra xin giấy phép. Bên cạnh đó, các cơ quan này còn phải được các kênh truyền hình nước ngoài tin tưởng và hợp tác trong việc biên tập, biên dịch. Vì thế, các hãng truyền hình nước ngoài đã lựa chọn VTV và Qnet.

Song các nhà cung cấp hoàn toàn có quyền phát sóng thông qua giấy phép của đơn vị khác. Sau khi các kênh nước ngoài có giấy phép phát sóng và giấy phép biên tập, biên dịch ở Việt Nam, các Đài hoặc doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền sẽ mua lại bản quyền phát sóng thông qua đại diện các kênh ở Việt Nam. Qnet đang là đại diện phân phối của hơn 20 kênh truyền hình quốc tế ở Việt Nam. 

Theo một lãnh đạo Trung tâm Truyền hình cáp Viettel (cung cấp dịch vụ truyền hình NextTV), những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như Viettel, VNPT, FPT... không phải là cơ quan báo chí nên khó có đủ điều kiện đứng ra xin cấp phép nội dung cho từng kênh. Vì vậy, Viettel chọn giải pháp mua lại quyền phát sóng của Qnet. Điều này tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp nhưng cũng không gặp trở ngại gì trong việc mua quyền phát sóng nếu đơn vị cấp kênh có đủ giấy phép.

Giảm từ 4 xuống còn 2 loại kênh cần giấy phép biên dịch

Theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền (ban hành theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), để được phát sóng tại Việt Nam, các kênh truyền hình nước ngoài phải được cấp giấy phép biên tập, biên dịch. Cụ thể, có bốn loại kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền phải lược dịch, biên dịch như sau: Đối với kênh phim truyện phải biên dịch 100% nội dung kênh chương trình; đối với kênh tin tức phải lược dịch 100% nội dung kênh chương trình; đối với kênh khoa học, giáo dục phải biên dịch 100% nội dung chương trình tin tức; đối với kênh tổng hợp, kênh giải trí tổng hợp, kênh thể thao, ca nhạc phải biên dịch 100% các chương trình tin tức, phóng sự, tài liệu.

Cũng theo Quy chế này, các kênh chương trình truyền hình nước ngoài chỉ được phát sóng khi đã được biên tập, biên dịch và kiểm duyệt bởi cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền hình và quy định này chính thức có hiệu lực từ 15/11/2012. Sở dĩ cần quy định như vậy là nhằm bảo đảm nội dung các kênh chương trình không trái với quy định của pháp luật Việt Nam về báo chí.

Tuy nhiên, do việc thực hiện các quy định đó gặp khó khăn nên đến thời điểm 15/11/2012 mới có 16/75 kênh truyền hình nước ngoài đáp ứng đủ yêu cầu và được Bộ TT&TT cấp phép. Để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ TT&TT đã đề xuất với Chính phủ và được chấp thuận gia hạn thực hiện quy định đến 15/5/2013. Tiếp đó, đến ngày 29/3/2013 trên cơ sở đề nghị của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 18a/2013/QĐ-TTg, giảm từ 4 xuống còn 2 loại kênh phải được biên dịch, cụ thể: biên dịch 100% nội dung kênh chương trình phim truyện; biên dịch 100% chương trình phóng sự, tài liệu của kênh tổng hợp, giải trí tổng hợp, kênh thể thao, kênh ca nhạc. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 15/5/2013.

Quy chế cũng quy định rõ, đơn vị xin phép biên tập, biên dịch phải là cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực truyền hình. Đồng thời, có nhân sự đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn báo chí và trình độ ngoại ngữ phù hợp với kênh chương trình nước ngoài đề nghị cấp phép biên tập. Cơ quan đó phải có năng lực kỹ thuật (gồm hệ thống thiết bị làm chậm, thiết bị lưu trữ, phương tiện kỹ thuật thu phát tín hiệu phù hợp với việc biên tập kênh chương trình); bảo đảm công tác biên tập, biên dịch được thực hiện hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0