Thứ hai, 25/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/05/2013
Xung quanh việc Mỹ thông qua Luật hạn chế mua sản phẩm CNTT của Trung Quốc

Ngày 26/3/2013, Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật hạn chế mua sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) của Trung Quốc.

Ảnh: wsj.com

Theo đó các bộ, ngành của Chính quyền Liên bang như Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, v.v... không được phép mua các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc trước khi việc mua bán này được các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Mỹ chấp thuận.

Theo báo cáo năm 2012 của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 120 tỷ USD các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. Như vậy, các cáo buộc tin tặc Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tấn công mạng một cách có hệ thống vào các doanh nghiệp (DN) Mỹ để đánh cắp thông tin đã dẫn đến một kết quả được dự đoán trước và chắc chắn gây thiệt hại không nhỏ cho các DN Trung Quốc.

Từ Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đến báo cáo của cơ quan an ninh mạng Mandiant

Ngay cuối năm 2012, việc 2 đại gia viễn thông của Trung Quốc là Huawei và Trung Hưng (ZTE) làm nguy hại an ninh của Mỹ đã rộ lên ở Quốc hội Mỹ. Sau một năm điều tra, ngày 8/10/2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo cho biết có bằng chứng cho thấy 2 tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE đang trở thành hiểm họa an ninh đối với Mỹ.

Chủ tịch ủy ban Mike Rogers thậm chí kêu gọi các công ty Mỹ ngừng làm ăn với Huawei “Dựa trên thông tin bí mật và công khai hiện có, không thể tin Huawei và ZTE không chịu ảnh hưởng gì của nhà nước nước ngoài (ám chỉ Chính phủ Trung Quốc) và do vậy gây ra một mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và đối với hệ thống của chúng ta” (Trích báo cáo 52 trang của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ). Kết luận trên vẫn được Ủy ban đưa ra tại Quốc hội, mặc dầu trước đó ngày 13/9/2012, đại diện cho giới điều hành của 2 công ty trên đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và khẳng định họ không bao giờ cúi đầu trước ảnh hưởng Trung Quốc để sử dụng sản phẩm của họ cho mục đích tình báo, bởi hành động như thế chẳng khác gì tự sát.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 31/1/2013, Ủy ban mậu dịch quốc tế Mỹ (ITC) tuyên bố tiến hành vòng điều tra 337 đối với thiết bị 3G và 4G của 3 công ty là Huawei, ZTE và Samsung để xác định xem các sản phẩm này có vi phạm bản quyền của nước Mỹ hay không? Theo thông báo của Ủy ban, ngày 2/1/2013 4 nhà sản xuất thiết bị di động của Mỹ, trong đó có công ty InterDigital nộp đơn lên Ủy ban và đề nghị khởi tố 3 công ty trên đánh cắp bản quyền của họ. “Vòng điều tra 337” thực ra là điều 337 thuộc Luật thuế quan Mỹ năm 1930 và đã qua nhiều lần tu chỉnh. Theo điều luật này, Ủy ban mậu dịch quốc tế Mỹ có quyền tiến hành điều tra các vụ kiện về vi phạm bản quyền hoặc đánh cắp thương hiệu, nếu công ty bị kiện vi phạm điều luật này thì Ủy ban có quyền ra lệnh cấm nhập khẩu và cấm kinh doanh.

Cuộc chiến về kỹ thuật số lên đến cao trào khi cuối tháng 2/2013, Cơ quan an ninh mạng Manvidant của Mỹ đã công bố báo cáo dày 60 trang về các tin tặc Trung Quốc. Báo cáo này đã gây ra một trận chiến dư luận mạnh mẽ trên thế giới. Báo cáo  đã mô tả khá chi tiết về trụ sở hoạt động và chân dung của 3 tin tặc đang làm việc cho một đơn vị quân đội Trung Quốc. Manvidant cho biết họ tìm ra tòa nhà 12 tầng ở Phố Đông, thành phố Thượng Hải là nơi làm việc của  nhóm tin tặc APT1 thuộc đơn vị 61398, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, một trong nhiều đơn vị chuyên thực hiện các vụ tấn công mạng.

Các tin tặc Trung Quốc xâm nhập mạng lưới máy tính của đối phương thông qua tấn công giả mạo thư điện tử (e-mail), nghĩa là nhân viên của công ty này nhận được một e-mail giả rồi bị lừa click vào đường link hoặc file đính kèm của tin tặc và sau đó bị đánh cắp thông tin trong một thời gian dài. Để hỗ trợ cho lời cáo buộc của mình Manvidant cho biết họ đã truy ra các địa chỉ IP, các mã số xác định máy tính của nhiều tin tặc  thuộc nhóm APT1. Điều tra của Manvidant cho biết nhóm tin tặc này đã tấn công mạng ít nhất 141 công ty, tổ chức thương mại và các chính phủ trong vòng 6 năm qua. Mỹ là mục tiêu tấn công nhiều nhất với 115 vụ, điển hình là vụ tấn công của các tin tặc Trung Quốc vào các Website an ninh của hệ thống quân sự và chỉ huy đơn vị hạt nhân của Mỹ hôm 3/10/2012.

Ngay sau khi Manvidant công bố báo cáo của mình, một loạt quốc gia đã lên tiếng về các vụ tương tự. Các nguồn tin của Hải quân Ấn Độ cho hay, máy tính của Hải quân bị nhiễm một loại virus bí mật thu thập dữ liệu và chuyển dữ liệu đánh cắp về địa chỉ IP tại Trung Quốc. Virus này được phát hiện trong một chiếc USB dùng để chuyển dữ liệu từ các máy tính. Loại virus này tương tự với loại virus đã từng tấn công vào mạng lưới mật của Quân đội Mỹ năm 2008. Vụ việc này tại Mỹ dẫn tới lệnh cấm sử dụng các ổ USB hoặc các thiết bị có thể sao chép dữ liệu trong Bộ Quốc phòng.

Australia cũng cho biết họ là một trong số 13 quốc gia bị các tin tặc Trung Quốc tấn công mạng.

Tất nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng như các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã nhanh chóng phủ nhận các cáo buộc này. Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi cho rằng các cáo buộc thiếu chứng cứ rõ ràng như trên vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa thiếu trách nhiệm và không giúp gì cho giải quyết vấn đề. Ông Hồng Lỗi tái khẳng định, Trung Quốc luôn phản đối những hành vi xâm nhập tấn công máy tính, và bản thân nước ông cũng là một nạn nhân của những vụ tấn công mạng.

Phải chăng là một phần trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước?

Sự quan ngại của chính giới Mỹ và nhiều nước đối với các sản phẩm CNTT của Trung Quốc ngoài lý do an ninh như các báo cáo trên phân tích cũng có một lý do khác không kém phần quan trọng chính là cuộc chiến thương mại (Chính sách bảo hộ mậu dịch) giữa các nước này với Trung Quốc. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu qua 2 “đại gia “viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE đã phát triển “thần kỳ” như thế nào?

Huawei hoạt động tại hơn 140 quốc gia, sử dụng 1700 nhân viên tại Mỹ. Doanh số tại Mỹ năm 2011 lên tới 1,3 tỷ USD so với 765 triệu USD năm 2010. Ở châu Âu hơn một nửa thiết bị 4G là do Huawei cung cấp. Doanh số của gã khổng lồ này năm 2011 lên tới 32 tỷ USD với 140.000 nhân công và phục vụ khách hàng ở 140 nước. Chính doanh số này đã đưa Huawei trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới  và sắp vượt qua Ericsson để chiếm vị trí số 1 thế giới.

Thành lập năm 1987 tại Trung Quốc, lần đầu “đổ bộ” vào đất Mỹ năm 2001 với một nhóm nhỏ nhân viên lập văn phòng tại Plano (Bang Texas). Huawei nhanh chóng phát triển thành công ty khổng lồ tại Mỹ. Văn phòng tại Plano bây giờ là một tòa nhà lớn hơn 9200m2 và trở thành trụ sở chính của Huawei tại Bắc Mỹ. Vừa là sách lược, vừa thể hiện sự lớn mạnh và phát triển của mình, Huawei đã chi mạnh tay để thuê nhiều viên chức điều hành từ các công ty Phương Tây nổi tiếng như Cisco, Intel, Ericsson, Nortel v.v… Trong số những người phương Tây được Huawei chiêu mộ và tin cậy đặc biệt có William Pummer, hiện là Phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Huawei tại khu vực Bắc Mỹ (Pummer từng 12 năm đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch của Tập đoàn Nokia tại khu vực Bắc Mỹ).

ZTE (Trung Hưng) là một công ty TNHH thuộc nhà nước, thành lập năm 1985, doanh số năm 2011 khoảng 13,7 tỷ USD, gần 80% doanh thu đến từ các thị trường nước ngoài với hơn 90.000 công nhân viên trải khắp 160 nước. Năm 2011 ZTE được xếp là nhà sản xuất lớn thứ 5 thế giới.

Để ngăn chặn ảnh hưởng của Huawei và ZTE, chính phủ Mỹ và chính phủ các nước như Ấn Độ, Australia, Canada, v.v… đã có nhiều biện pháp kiên quyết trong giao dịch thương mại. Năm 2011, Ủy ban xem xét đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) đã chặn đứng vụ Huawei mua Hãng máy tính 3 Leaf Systems tại California. Cơ quan điều tra Liên bang cũng đang xem xét cáo buộc ZTE bán thiết bị máy tính cho Iran. Cũng vào năm ngoái, một công ty thông tin di động lớn của Mỹ là Sprint Nextel đã phải hủy bỏ hợp đồng nâng cấp mạng di động 4G của mình với Huawei và ZTE trị giá lên tới 8,5 tỷ USD  (theo The Wall  Street  Journal). Năm 2010, Motorola cũng kiện Huawei tội đánh cắp kỹ thuật. Trước đó năm 2003, Huawei cũng bị Cisco cáo buộc sao chép bất hợp pháp phần mềm điều khiển xa lộ Internet của họ. Đầu năm 2012, cũng xuất phát từ mối lo ngại an ninh quốc gia mà chính phủ Austrlia đã ngăn chặn Huawei tham gia thương vụ đấu thầu liên quan mạng thông tin băng rộng của nước này trị giá 32 tỷ USD. Tháng 4/2010, Chính phủ Ấn Độ cũng cấm các nhà khai thác thông tin di động của họ ký hợp đồng mua thiết bị của Huawei lên tới hàng tỷ USD.

Nhiều nước cũng cáo buộc, tại châu Phi nhờ có chính sách trợ giá (với giá bán rẻ hơn các đối thủ từ 5% - 15% mà Huawei và ZTE dễ dàng hất cẳng các hãng công nghệ Phương Tây để chiếm lĩnh thị trường. Lợi thế này là một trong những điều khiến giới chức Mỹ càng thêm nghi ngờ về sự tham gia của Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ các DN nước này mở rộng thị trường (Trái với luật cạnh tranh bình đẳng của WTO).

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và lời cảnh báo đối với chúng ta

Cuộc chiến về kỹ thuật số và cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và các nước vẫn tiếp diễn. Trong  một bài báo mang tính xã luận, ngày 8/11/2012 của tác giả Diêu Truyền Phúc trên báo Nhân dân Bưu điên Trung Quốc: “Các thương gia Âu - Mỹ không theo đuôi Chính phủ “tẩy chay” Trung Quốc” có viết: Trong khi một số ít chính phủ các nước lấy lý do “uy hiếp an toàn quốc gia” để tẩy chay các thiết bị của Huawei và ZTE, v.v… thì gần đây các công ty có thế lực Âu Mỹ vẫn không theo đuôi chính phủ họ tiếp tục mua thiết bị của Huawei và ZTE.

Mới đây nhất, nhà khai thác viễn thông lớn nhất của Anh, công ty EE cho biết giải pháp và thiết bị cơ bản cho mạng 4G của họ sẽ do Huawei cung cấp. Trước đó, một nhà khai thác viễn thông khác của Mỹ là Clearwire cũng thông báo trong việc nâng cấp mạng thông tin tốc độ cao của hãng năm 2013, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị.  Còn ở mặt ngược lại, ngày 15/4/2013, Nhật Bản và NATO ra thông báo chung về tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, trong đó có vấn đề an ninh về tấn công mạng.

Vào ngày 10/4/2013, trong Hội nghị về ngành công nghiệp Internet (Internet Industry Conference) tổ chức tại Bắc Kinh, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Robert Homats khẳng định các cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ Trung Quốc đang phá hoại mối quan hệ  ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích lâu dài của Bắc Kinh. Và ông khuyên chính phủ Trung quốc: Lợi ích lâu dài của Chính phủ Trung Quốc là phải điều tra và ngăn chặn các hoạt động xâm nhập mạng từ quốc gia này và Chính phủ Mỹ cũng đang tích cực giải quyết vấn đề này cũng như tiếp tục nâng cao việc bày tỏ mối quan tâm với các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Thời gian gần đây các cơ quan thông tin, báo chí của Việt Nam đã có nhiều tin bài và bày tỏ lo lắng về cuộc chiến tranh kỹ thuật số mà Trung Quốc đang tiến hành ở nhiều nước, và độ an toàn của các hệ thống thông tin ở Việt Nam khi đang sử dụng rộng rãi các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2011, Việt Nam có 16 triệu thuê bao 3G. Theo thống kê của một công ty nghiên cứu CNTT thì lượng người dùng 3G qua USB 3G chiếm hơn 50%. Như vậy, tại nước ta có khoảng 8 triệu thuê bao sử dụng thiết bị USB để nối mạng 3G, phần lớn các USB này là của Huawei và ZTE. Báo Thanh niên còn băn khoăn với việc nâng cấp các mạng di động của MobiFone và VinaPhone lên HSPA + tại Hà Nội, Đà Nẵng và một phần TP. Hồ Chí Minh bằng việc đặt hàng ngàn trạm gốc thiết bị của Huawei thì tính bảo mật và an toàn thông tin liệu có được bảo đảm?

Cũng tất yếu như tất cả các nước có chủ quyền, chúng ta cũng cần và phải hết sức quan tâm đến an toàn thông tin, an toàn quốc gia và chống lại các cuộc tấn công mạng. An ninh thông tin mạng phải được xem xét nghiêm túc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Học tập kinh nghiệm của Ấn Độ chúng ta có thể yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc nếu muốn tiếp tục cung cấp thiết bị cho Việt Nam cần công khai minh bạch hơn nữa các sản phẩm của mình bao gồm thiết kế chi tiết, mã nguồn, các hệ điều hành, v.v… để tiện cho việc giám sát.

Theo Ictpress.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0