Vệ tinh được phóng từ sân bay vũ trụ Kourou (Guiana, thuộc Pháp), chậm 3 ngày so với dự kiến ban đầu vì thời tiết ở đây không thuận lợi.
Lần phóng này có gồm 3 vệ tinh của 3 quốc gia khác nhau sẽ được lần lượt được tên lửa đẩy Vega đưa vào quỹ đạo, lần lượt là Proba-V (Bỉ), VNREDSat-1 (Việt Nam) và ESTCube-1 (Estonia).
Vệ tinh VNREDSat-1 nặng 115 kg của Việt Nam sẽ rời tên lửa đẩy sau khi cất cánh 1 giờ, 57 phút và 24 giây. Sau đó, VNREDSat-1 sẽ tự di chuyển đến quỹ đạo đã định để đi vào hoạt động.
Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680 km. Độ phân giải mặt đất là 2,5 m (PAN) và 10 m (MS). Tuổi thọ của VNREDSat-1 theo thiết kế là 5 năm.
Tên lửa VEGA trên bệ phóng
Arianespace, Công ty phóng vệ tinh VNREDSat-1, cũng là đối tác đã phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2 của Việt Nam.
Sau khi được đưa vào quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ giúp Việt Nam chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, vệ tinh sẽ góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ, tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác. Sự kiện vệ tinh VNREDSat-1 được phóng vào qũy đạo là một điểm mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển thành công bước đầu của nền khoa học – công nghệ Việt Nam trong việc tiếp thu, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và là kết quả quan trọng, đáng khích lệ để thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 14/6/2006.
Tên lửa VEGA được phóng vào vũ trụ.
Một số hình ảnh tên lửa đẩy VEGA mang vệ tinh phóng vào vũ trụ.
Theo Phapluatxahoi.vn