An toàn thông tin đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước trên thế giới trong kỷ nguyên công nghệ thông tin. Việt Nam đánh giá cao vai trò của an toàn thông tin vì công nghệ thông tin hiện là hạ tầng của các ngành kinh tế quan trọng khác của quốc gia. Dự thảo Luật An toàn thông tin đang được Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng, triển khai để bảo vệ hệ thống thông tin và môi trường mạng. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 10/2013.
Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT), đại diện cho Ban soạn thảo và Tổ Biên tập cho biết, sau quá trình triển khai xây dựng Dự án Luật An toàn thông tin số, Bộ Thông tin Truyền thông nhận thấy nên điều chỉnh tên Luật An toàn thông tin số thành Luật An toàn thông tin cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thể hiện chính xác đối tượng được bảo vệ trong luật. Do đó, ngày 15/4/2013, Bộ Thông tin Truyền thông đã gửi công văn chính thức đến Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đề xuất hiệu chỉnh tên dự án luật thành “Luật An toàn thông tin”. Đồng thời, Bộ cũng giới hạn phạm vi điều chỉnh dự kiến của Luật là quy định về an toàn thông tin trên môi trường mạng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.
Dự thảo Luật An toàn thông tin bao gồm 10 chương và 58 điều. Chương II quy định về bảo vệ hệ thống thông tin và môi trường mạng và Chương III về bảo vệ thông tin cá nhân bao hàm những nội dung cơ bản và quan trọng nhất của dự luật.
Phát biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đề nghị cần làm rõ một số khái niệm như: “Sản phẩm an toàn thông tin” (điều 40), “đào tạo an toàn thông tin chất lượng cao” (điều 45). Ngoài ra, dự luật cũng chưa có quy định về ngăn chặn thông tin số có nội dung xấu, về đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử, về đưa thông tin sai lệch. Dự luật cần quan tâm đến nội dung của Luật Khoa học công nghệ (đang trình Quốc hội thông qua) và Luật Doanh nghiệp (đã có hiệu lực) để đảm bảo sự thống nhất về nội dung giữa các luật.
Ông Phùng Đức Ngại, Cục phó Tổng cục An ninh 1 Bộ Công An đánh giá nội dung dự thảo lần 2 trội hơn hẳn so với dự thảo lần 1. Ông Ngại đề nghị cần có quy định về quản lý thông tin của tổ chức vì dự luật mới chỉ đề cập đến bảo vệ thông tin cá nhân. Nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin được quy định rải rác tại một số chương nên đưa tập trung về Chương IX (Quản lý nhà nước về an toàn thông tin).
Đại diện Cục Công nghệ thông tin Bộ Quốc phòng lưu ý Điều 24 liên quan đến ngăn chặn xung đột thông tin trong môi trường mạng cần nêu bật được quan điểm: Việt Nam ưu tiên sử dụng các biện pháp phòng ngự khi xảy ra các xung đột thông tin trên mạng. Đối với ý kiến nên tách hay nhập Chương VII (Phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin) và Chương VIII (Hợp tác quốc tế về an toàn thông tin), Cục Công nghệ thông tin Bộ Quốc phòng cho rằng nên tách thành 2 chương riêng biệt vì hợp tác quốc tế mang tính chiến lược đối với an toàn thông tin, các nước cần phải hợp tác và tương trợ lẫn nhau để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên toàn thế giới.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định sự cần thiết của dự án Luật An toàn thông tin trong bối cảnh an ninh thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Luật An toàn thông tin cần bảo đảm tính thống nhất về nội dung với các bộ luật khác đã và sắp được ban hành. Bộ trưởng nhấn mạnh thông tin cá nhân là thông tin quan trọng cần phải được bảo vệ. Bảo vệ thông tin cá nhân chính là bảo vệ an ninh quốc gia. Đối với ý kiến liên quan đến việc bảo vệ thông tin của tổ chức trên mạng, bảo vệ hạ tầng mạng của ngành tài chính, ngân hàng, của các địa phương, Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Luật sẽ nghiên cứu và xem xét trong thời gian tới. Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần làm việc của Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo luật, dự thảo lần 2 đã có những tiến bộ rõ nét so với dự thảo lần 1. Dự thảo Luật An toàn thông tin là một công việc đầy khó khăn vì đây là lần đầu tiên xây dựng luật, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, ý kiến của các chuyên gia đến từ các bộ, ngành liên quan và ý kiến người dân là chất liệu quan trọng để xây dựng dự án Luật An toàn thông tin với nội dung tốt hơn. Bộ trưởng khẳng định quyết tâm của Bộ sẽ xây dựng dự thảo Luật kịp tiến độ để trình lên Chính phủ vào tháng 10/2013.
Theo Mic.gov.vn