"Đến" hoành tráng, "đi" im lặng
Theo thống kê, vào thời kỳ "vàng son" nhất của các dịch vụ tìm kiếm Việt, giai đoạn 2006 - 2008, đã có tới hơn 20 sản phẩm từng xuất hiện. Có thể kể đến những cái tên như Monava, PanVietnam, Timnhanh, hay Xalo ... Điểm chung của các dịch vụ này không chỉ ở chỗ đều đề ra mục tiêu "hất cẳng" Google ra khỏi Việt Nam mà còn cùng thất bại sau 1-2 năm đua sức.
|
Socbay, cái tên hiếm hoi còn sót lại kể từ thời kỳ vàng son của dịch vụ tìm kiếm Việt (Ảnh chụp màn hình) |
Những dịch vụ tìm kiếm Việt này đều được đầu tư lớn hoặc được "chống lưng" bởi các tên tuổi có tiếng trong làng công nghệ tại Việt Nam.
Với Monava và Timnhanh là nguồn tài chính mạnh mẽ đến từ các tập đoàn đầu tư, lần lượt nhận được 500.000 USD và 2 triệu USD. Với Xalo và PanVietnam là nền tảng vững chắc đến từ các công ty công nghệ như Tinh Vân hoặc Netnam.
Tuy nhiên tính đến nay hầu hết các dịch vụ tìm kiếm trên đều đã bị khai tử. Monava đóng cửa chỉ sau đúng 1 năm hoạt động, Timnhanh âm thầm rút lui "không kèn không trống" hay Xalo đã loại bỏ tìm kiếm ra khỏi các dịch vụ của mình.
Có thể nhận thấy, những tên tuổi ngày nào giờ chỉ còn Socbay là thực sự trung thành với dịch vụ tìm kiếm.
Theo một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực công nghệ, thất bại của các dịch vụ tìm kiếm Việt rất dễ lý giải.
Thứ nhất, về nền tảng công nghệ, các thương hiệu Việt có thể nói là không "đáng" để mang ra so sánh với Google nếu biết "cỗ máy" này có thể xử lý hơn 3 tỉ truy vấn tìm kiếm và lọc thông tin từ 20 tỉ trang web mỗi ngày. Nói một cách đơn giản hơn, Google quá vượt trội nếu so về mặt công nghệ.
Thêm vào đó, Google đã "ăn sâu" vào tâm trí của người dùng Việt. Mỗi khi cần tìm kiếm thông tin, họ nghiễm nhiên cho rằng nếu không tìm thấy trên Google thì sẽ không thể tìm thấy ở đâu nữa.
Công bằng mà nói, xét về các khía cạnh tìm kiếm từ thông tin, ảnh cho đến video, không có bất cứ dịch vụ Việt nào đã hoặc đang hoạt động có thể đầy đủ và chi tiết như Google.
"Tân binh" có làm nên chuyện?
Giai đoạn cuối 2012 và đầu 2013, đã xuất hiện thêm 2 tên tuổi mới tham gia vào thị trường tìm kiếm tại Việt Nam là Wada và Cốc Cốc.
|
Cốc Cốc, tân binh mới nhất của tìm kiếm Việt (Ảnh chụp màn hình) |
Vẫn với công thức "tiền tấn" như những đàn anh trước đây khi Wada được đầu tư 200 tỷ đồng còn Cốc Cốc không hề kém cạnh khi được rót tới 15 triệu USD trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, đúc rút kinh nghiệm từ thất bại của các dịch vụ khác, Wada và Cốc Cốc thay vì đối đầu trực tiếp với Google, đã chọn cho mình lối đi riêng khi tập trung vào mảng tìm kiếm chuyên sâu - Những thứ mà hãng tìm kiếm số 1 thế giới làm chưa tốt hoặc ít chú ý tới tại Việt Nam.
Nếu như thế mạnh của Cốc Cốc là tìm kiếm địa điểm tại Việt Nam thì Wada lại chọn xây dựng các nội dung tìm kiếm dưới dạng chuyên biệt về tin tức, giải trí, kiến thức... Tuy nhiên theo đánh giá của người dùng tại thời điểm này, các dịch vụ trên còn khá sơ sài, chỉ thực sự tốt nếu tìm kiếm theo các thế mạnh riêng đã nêu, nếu mở rộng ra nhu cầu tìm kiếm phổ thông, kết quả cho được còn rất hạn chế.
Với Cốc Cốc, mặc dù thực hiện rất tốt chức năng tìm kiếm địa điểm, đặc biệt các vị trí nằm trong phạm vi Hà Nội nhưng lại sử dụng hệ thống bản đồ của Google Maps. Trong khi đó Wada trả về kết quả tìm kiếm ít hơn rất nhiều, đồng thời bố trí cũng kém khoa học hơn khi so với Google.
Mặt khác, người dùng có nhu cầu sử dụng mảng tìm kiếm chuyên sâu mà Wada và Cốc Cốc đang theo đuổi quá ít ỏi so với mảng tìm kiếm phổ thông mà Google đang thống trị. Vì thế, nếu một ngày nào đó Google vươn "vòi bạch tuộc" của mình sang mảng tìm kiếm này, liệu Wada và Cốc Cốc có còn chỗ đứng?
Không khó để nhận thấy việc kỳ vọng vào 2 "tân binh" này có thể cạnh tranh với Google là chuyện quá xa vời. Tuy nhiên, nếu trung thành với giá trị tìm kiếm cốt lõi đồng thời liên tục cải tiến dịch vụ, rất có thể Wada và Cốc Cốc sẽ tránh được "vết xe đổ" của những tên tuổi đi trước để có được tập khách hàng riêng của mình.
Theo Vtc.vn