|
Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học FPT và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam được ký kết đầu tháng 4/2013. |
Thỏa thuận hợp tác trong việc triển khai chương trình đào tạo môn “Khởi nghiệp-Start Your Bussiness” đã được Đại học FPT và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam VCCI chính thức ký kết vào đầu tháng 4/2013.
Đại học FPT cho biết, với mong muốn trang bị cho sinh viên những kiến thức căn bản về doanh nghiệp và cách thức khởi sự doanh nghiệp để giúp họ lập nghiệp thành công, bộ môn khởi nghiệp đã được trường đưa vào chương trình đào tạo ngay từ ngày đầu thành lập.
Những năm qua, sinh viên Đại học FPT tốt nghiệp luôn được Tập đoàn FPT và các DN chào đón. Một số cựu sinh viên Đại học FPT đã và đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong DN. Đặc biệt, có những sinh viên FPT đã thành lập và điều hành DN của riêng mình ở những quy mô khác nhau.
Với thỏa thuận hợp tác mới ký kết giữa Đại học FPT và VCCI, thời gian tới, sinh viên Đại học FPT sẽ sử dụng giáo trình môn khởi nghiệp do VCCI biên soạn với nhiều ví dụ, bài học thực tiễn từ chính các doanh nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là môn học bắt buộc trước khi sinh viên tham gia vào chương trình thực tập tại DN “On-the-job-training”.
VCCI cũng sẽ đào tạo giảng viên cho Đại học FPT, cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cấp chứng chỉ cho các giảng viên môn SYB của Đại học FPT, đồng thời tham gia giám sát chương trình đào tạo SYB tại Đại học FPT. Những giảng viên môn SYB của Đại học FPT sau khi được ILO và VCCI cấp chứng chỉ sẽ trở thành thành viên trong mạng lưới giảng viên Khởi nghiệp quốc tế-SYB do VCCI và ILO tổ chức.
Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT Nguyễn Thành Nam chia sẻ, chương trình đào tạo môn “Khởi nghiệp-Start Your Bussiness” là một trong những chương trình thực hiện cam kết tạo việc làm cho sinh viên của Đại học FPT. Đây là một bước cần thiết để đảm bảo mục tiêu tất cả sinh viên FPT đều có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - GĐ Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc VCCI, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, đã có tới 15.300 doanh nghiệp phá sản. Phần lớn các doanh nghiệp phá sản là do không nắm vững được những quy luật cơ bản của khởi nghiệp. Bởi vậy, VCCI muốn đưa chương trình khởi nghiệp SYB phổ cập đến các trường Đại học, Cao đẳng và thậm chí là cả các trường THPT tại Việt Nam. “Mục đích là giúp giới trẻ, những người có nhiều khát vọng lập nghiệp, cống hiến có được kiến thức nền tảng trong việc tạo lập sự nghiệp cho riêng mình” bà Hằng nói.
Chương trình Khởi nghiệp được VCCI áp dụng từ năm 1998 cho các DN, với giáo trình được cung cấp bởi ILO. Sau một giai đoạn triển khai thành công, năm 2004, ILO đã chuyển giao toàn bộ “công nghệ giảng dạy” Khởi nghiệp cho VCCI.
Theo Ictnews.vn