|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP.HCM. |
Chiều ngày 9/4/2013, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Tiếp đoàn có ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng đại diện các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo vi mạch ICDRECT (ĐHQG TP.HCM) đã báo cáo quá trình hình thành và phát triển ngành thiết kế vi mạch tại TP.HCM. Theo đó, kể từ khi ICDRECT thiết kế và chế tạo thành công con chip đầu tiên vào năm 2008, Việt Nam đã có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chip thế giới và nằm trong 3 nước ASEAN dẫn đầu về thiết kế vi mạch.
Thời gian qua, thiết kế vi mạch ở TP.HCM tiếp tục phát triển mạnh khi một số con chip tiếp theo đã ra đời và thử nghiệm hoạt động trong nhiều sản phẩm điện tử… Theo ông Ngô Đức Hoàng, TP.HCM đang đi đầu cả nước về vi mạch và cần có một chương trình phát triển quy mô hơn. Việc này đã được UBND TP ủng hộ thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, cũng như nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành và được đưa vào chương trình quốc gia về KH-CN với 3 chương trình là: chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch tạo ra cuộc cách mạng cho công nghiệp điện tử, công nghiệp CNTT của cả nước. Bởi hiện trạng ngành công nghiệp điện tử hay CNTT của ta, phần cứng chủ yếu là lắp ráp, vặn ốc vít còn phần mềm thì gia công là chính và chỉ làm được các ứng dụng vừa phải. Vì thế, phát triển công nghiệp vi mạch là xây dựng “bộ não” cho các thiết bị điện tử từ những sản phẩm đơn giản như SIM điện thoại đến sản phẩm cao cấp hơn như smartphone, tivi LCD…
Đây cũng là phần lõi của công nghiệp phụ trợ, ngành vi mạch phát triển thì chúng ta mới chuyển từ lắp ráp sang sản xuất, gia công sang nghiên cứu, chế tạo; gia công phần mềm thành sản xuất phần mềm nhúng trong thiết bị điện tử… Đặc biệt, sẽ đảm bảo được vấn đề an ninh khi “bộ não” do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, khi TP đưa ra chương trình này đã được nhiều bên ủng hộ, có sự phối hợp tốt giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, với nhà trường; kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương; giữa nghiên cứu thử nghiệm ra sản phẩm thương mại. Chương trình thu hút rất nhiều lực lượng tri thức, các nhà khoa học trong và ngoài nước tạo ra sức mạnh tập thể rất lớn. Và thực tế TP.HCM đã chủ trì ngành công nghiệp này nhưng đây là làm trên quy mô cả nước và vai trò Nhà nước hết sức quan trọng (trong 7 đề án để xây dựng ngành thì 6 cái có sự tham gia của Nhà nước). Nhưng muốn phát triển mạnh ngành phải có sự ưu tiên hàng đầu về chính sách và bám sát các Bộ, ngành.
Trước những vấn đề trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều quan trọng là TP.HCM phải trả lời được câu hỏi: thị trường cho ngành công nghiệp này là gì bởi sản phẩm thành công phải có thị trường - chẳng hạn như đi vào các sản phẩm gia đình thông minh, y tế, giáo dục… là nền tảng để xây dựng xã hội thông minh. Phải xác định rõ nhu cầu của quốc gia cần cái gì để phát triển công nghiệp vi mạch; đưa ra những lợi thế của Việt Nam khi quyết định đầu tư vào thiết kế vi mạch như lực lượng lao động thông minh, nhân công rẻ… Đồng thời, tìm hướng phát triển hợp lý bởi các nước khác đi trước vài chục năm rồi và xem xét có khả năng cạnh tranh được các công ty khổng lồ trên thế giới không? Cần xác định công nghệ lõi của công nghệ vi mạch, chu kỳ công nghệ của nó thế nào, trong giai đoạn đầu có thể không đi trước thế giới được nhưng không thể tụt hậu về công nghệ lõi. Ngoài ra, phải xây dựng một lực lượng nghiên cứu đông đảo với đội ngũ chuyên gia hàng đầu.
Theo Ictnews.vn