Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 31/01/2007
Buôn lậu phần mềm ở VN có dấu hiệu "chuyên nghiệp hoá"?

"Chúng tôi có thể cung cấp "hàng" dài hạn, từ phần mềm diệt virus, spyware đến các hệ điều hành như Windows...Đây là những phần mềm trốn thuế nhưng hoàn toàn có bản quyền với số lượng không hạn chế và giá cả chỉ bằng một nửa đến 1/3 giá phần mềm bản quyền bán trên thị trường." - một thanh niên thao thao quảng cáo với PV VietNamNet.

Nguồn gốc mờ ám

Soạn: HA 1022451 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Trong email báo giá của nhóm bán phần mềm lậu liệt kê danh sách rất nhiều loại phần mềm Anti Virus nổi tiếng thế giới và cả hệ điều hành Windows của Microsoft với mức giá rẻ đến "giật mình". Đơn cử như  45 USD cho mỗi bản Win XP Profeessional khi mua từ 100 bản trở lên..  (ảnh chụp màn hình) 

Tuy nhiên, khi tôi cố gắng hỏi về nguồn gốc sản phẩm thì anh này giấu biệt, và cứ úp úp mở mở rằng, anh ta chỉ là trung gian, bán hàng hộ một số nhà cung cấp giấu tên ở nước ngoài, và nguồn hàng của các nhà cung cấp này từ đâu mà có thì chính anh ta cũng không biết.

Chúng tôi gặp nhau sau khi tôi nhận được rất nhiều email được gửi theo kiểu spam, trong đó có nội dung quảng cáo bán phần mềm bản quyền giá rẻ với số lượng lớn và lâu dài. Điều đáng ngạc nhiên là giá thành của những phần mềm này chỉ bằng phân nửa hoặc 1/3 giá trị được bán từ các nhà cung cấp. Vì thế tôi đã cố gắng liên lạc lại qua email, với danh nghĩa người phụ trách kinh doanh cho một công ty tư nhân chuyên bán thiết bị vi tính, sau đó thì tôi nhận được một cái hẹn tại một quán cafe trên đường Láng Hạ.

Tự giới thiệu mình tên là Cường, người trực tiếp liên hệ với tôi trông giống một sinh viên với tuổi đời còn rất trẻ, anh ta ăn nói liến thoắng và dẫn theo một người, được giới thiệu là "sếp" của anh ta, cũng là người trực tiếp liên hệ với các nhà cung cấp phần mềm ở nước ngoài để "tuồn hàng" về Việt Nam.

Cường khẳng định rằng các phần mềm của anh ta là phần mềm hoàn toàn có bản quyền, và "sở dĩ nó có giá rẻ thế là vì không phải chịu thuế".

Tuy nhiên các phần mềm mà anh ta giới thiệu không có "tem bản quyền" dán trên và cũng không có đĩa CD cài, mà chỉ có các "key". Vì thế tôi ngờ rằng chúng có thể được mua qua mạng bằng các tài khoản "chùa" (tức là mua phần mềm bằng các thẻ tín dụng ăn cắp của người nước ngoài), hoặc chỉ là những bản "Crack".

Khi tôi nêu thắc mắc này ra, Cường lấp liếm bằng cách tỏ ra đành phải nói thật: "Đây là những phần mềm dư ra sau khi các nhà cung cấp phần mềm chính thống bán nó với số lượng lớn theo kiểu dự án cho các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp này không sử dụng hết và một số cán bộ tìm cách bán số dư này ra thị trường với giá rẻ để tránh lãng phí."

Ngang nhiên "tiếp thị"

Soạn: HA 1022877 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Để xác minh những thông tin này, chúng tôi tìm đến một số nhà phân phối chính thức các phần mềm bản quyền tại Việt Nam. Ông Bùi Quang Ngọc - Phó tổng giám đốc của FPT - Nhà phân phối chính thức của Microsoft tại Việt Nam ngay lập tức khẳng định: "Việc giải thích nguồn gốc phần mềm bản quyền trốn thuế có từ số dư sau các dự án mua phần mềm của doanh nghiệp nhà nước là không đúng"!.

"Cách giải thích của những kẻ bán phần mềm lậu nói trên là hoàn toàn sai, vì chúng tôi nắm rõ các hợp đồng về quyền sử dụng bản quyền phần mềm của Microsoft."

"Đó là chưa nói, cách giải thích này hết sức ấu trĩ, vì việc chuyển nhượng quyền sử dụng phần mềm hợp pháp không phải như mua bán một cái xe máy, người ta chỉ có thể có được quyền sử dụng phần mềm bản quyền thông qua giấy phép sử dụng thể hiện bằng hợp đồng và người dùng cuối không có quyền chuyển nhượng bản quyền phần mềm!",
ông Ngọc khẳng định.

Ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc công ty Viami thì không giấu nổi vẻ bức xúc:
"Chúng tôi là nhà phân phối độc quyền của Bitdefender tại Việt Nam. Số lượng các gói phần mềm mà Bidefender bán ra và được cài đặt ra sao cho các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước ở Việt Nam như thế nào chúng tôi phải nắm rõ chứ! Chuyện dự án trang bị phần mềm của các cơ quan nhà nước mà mua dư ra rồi mang bán thanh lý tôi khẳng định là hoàn toàn không có!".

Một điều thú vị rằng, chính ông Quang cũng từng được những người bán phần mềm lậu kia đến tận nơi để... tiếp thị.

"Họ đã từng gửi email cho tôi và người phụ trách văn phòng đại diện của chúng tôi ở miền Nam, thậm chí gặp gỡ trực tiếp tôi để tiếp thị sản phẩm phần mềm do công ty chúng tôi... độc quyền phân phối tại Việt Nam" - Ông Quang kể.

"Có lẽ những kẻ này nói rằng họ biết rõ chúng tôi là nhà phân phối, và họ hy vọng sẽ bán các phần mềm lậu với giá rẻ cho công ty của tôi để sau đó tôi bán ra thị trường kiếm lời - thật quá ngang nhiên!".

Đã đến lúc nhìn nhận nghiêm túc?

Soạn: HA 1022453 gửi đến 996 để nhận ảnh này

"Bản quyền phần mềm sẽ là một trong những vấn đề "nóng" của ICT Việt Nam năm 2007!" - Lời nhận định của Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam tại buổi công bố kế hoạch hành động năm 2007 của Hội tin học Việt Nam đã có minh chứng cụ thể. (Ảnh Thế Phong)

Trong quá trình trực tiếp tiếp xúc với một trong số những nhóm rao bán phần mềm lậu, tôi có hỏi về chất lượng sản phẩm, thì được họ khẳng định: "Những sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn có bản quyền, có thể tự động update qua mạng cũng như các tính năng y như phần mềm được cung cấp từ nhà phân phối chính thức."

Họ còn cam kết, nếu có vấn đề xảy ra khi các công ty mua sản phẩm của họ cài đặt cho người dùng, họ sẽ đổi lại các bản khác. Nhưng có trời mới biết, sau khi trả tiền xong thì có thể tìm họ ở đâu? Trong một email mới nhất khi liên lạc với PV VietNamNet, Cường nói rằng anh ta sẽ cho tôi số điện thoại trong lần tới để tôi liên lạc trực tiếp nếu vẫn còn ý định mua phần mềm. "Vì cái sim điện thoại hôm trước của tôi mới bị mất mà" - Anh ta viết trong email.

Nhóm rao bán phần mềm lậu mà tôi liên hệ còn khẳng định rằng, một trong những khách hàng quen thuộc của họ là một công ty bán máy tính khá lớn tại Hà Nội. Họ nói có thể giao hàng với số lượng từ vài chục đến vài trăm bản mỗi lần, sẵn sàng chịu phạt nếu đưa hàng không đủ số lượng, không đúng hẹn.

Theo chúng tôi nhận định, nếu như những phần mềm này được mua từ tài khoản "chùa" bởi các tay "Underground" (
thế giới ngầm - chỉ những kẻ kiếm tiền phi pháp qua mạng) tại Việt Nam, thì có thể quy mô và tổ chức của họ rất lớn, như vậy, họ mới có khả năng cung cấp hàng trăm bản mỗi tháng như cam kết.

Sẽ còn tệ hại hơn rất nhiều nếu đúng như họ nói, nguồn hàng ở nước ngoài tuồn vào, vì điều đó có nghĩa là đang có những đường dây bán phần mềm lậu xuyên quốc gia có mặt tại Việt Nam. Vấn đề bản quyền ở Việt Nam đã trở nên nóng đến mức nảy sinh hệ thống buôn lậu kiểu này chăng?

Đó có thể chỉ là những suy luận chủ quan, song thực tế đã đến lúc các cơ quan chức năng nên vào cuộc với những vụ việc vi phạm bản quyền phần mềm mang tính hệ thống như thế này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần xây dựng một môi trường tin cậy và tôn trọng công ước Quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0