Tiết lộ tại Hội thảo Quốc gia về An ninh Bảo mật 2013 (Security World 2013) ngày 26/3, Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ CA) cho biết, mô hình đánh bạc, cá độ qua mạng diễn ra rất phức tạp, qua nhiều khâu và có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà cái nước ngoài lẫn đại lý trong nước.
Cụ thể, nhà cái nước ngoài trực tiếp cấp, quản lý tài khoản cho người chơi và trả tiền cho họ trong trường hợp thắng cược. Có thể kể đến một số nhà cái lớn, phổ biến như M88, Ibet888, Sbobet, Bet365..... Đại lý tại Việt Nam sẽ tiến hành nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, sau đó bằng nhiều hình thức chuyển tiền ra nước ngoài. Trong một số trường hợp, đại lý trong nước còn có thể trả tiền thắng cược hộ nhà cái nước ngoài.
"Giá trị cá độ có thể lên tới hàng chục triệu USD/ngày", ông Hòa cho biết.
Một hình thức cá độ khác dễ tiến hành hơn là nhà cái trong nước có subdomain trên trang quản trị, quản lý tài khoản của tổng đại lý và đại lý cấp dưới. Người chơi sẽ đánh bạc trực tiếp với nhà cái tại Việt Nam, nộp tiền hoặc nhận tiền thắng cược từ chính nhà cái này.
Không chỉ đánh bạc, cá độ trên các trang nước ngoài mà Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao còn phát hiện nhiều trường hợp rửa tiền có quy mô lớn, với số tiền lên tới nhiều triệu USD. "Các hình thức phạm tội có yếu tố nước ngoài xuất hiện ngày một nhiều, với một số đặc điểm nổi bật như: thủ phạm trong nước và ngoài nước cấu kết chặt chẽ với nhau. Phạm vi hoạt động gây án không biên giới, máy chủ lưu dữ liệu liên quan đến tội phạm phần lớn đặt ở nước ngoài", ông Hòa phân tích.
Cũng trong tham luận tại Hội thảo, Đại tá Hòa còn chỉ ra một số loại tội phạm công nghệ cao phổ biến trong năm 2012 như tội phạm tấn công mạng, tấn công máy tính. Các dữ liệu của Bộ CA cho thấy, phổ biến nhất ở VN vẫn là hành vi phát tán backdoor, phần mềm gián điệp, virus, sâu, mã độc, tấn công từ chối dịch vụ và khai thác các lỗ hổng bảo mật để truy cập trái phép, đánh cắp dữ liệu. Bọn tội phạm mạng cũng mở rộng hình thức phát tán trojan, phần mềm theo dõi bàn phím, virus qua nhiều cửa ngõ khác nhau như email, websex, diễn đàn, mạng xã hội ảo (Facebook, Twitter, YouTube) hay qua những ứng dụng phổ biến như Unikey...
Mục đích tấn công cũng rất đa dạng và đã bắt kịp với xu thế phạm tội của hacker thế giới khi chúng tập trung đánh cắp dữ liệu nhạy cảm, thông tin thẻ ngân hàng, lừa đảo trực tuyến... Bên cạnh đó, hacker cũng đã hình thành nhiều mạng botnet lớn để tấn công từ chối dịch vụ hay phát tán thư rác, quảng cáo với số lượng lớn. Bên cạnh đó, số lượng các vụ tấn công có mục tiêu chọn lọc cũng ngày càng nhiều. "Các cơ quan Chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp lớn... liên tiếp bị hacker tấn công, với thiệt hại rất lớn", ông Hòa cho biết. Trong báo cáo được VNISA công bố cũng tại Hội thảo, thì trong số 100 website thuộc Chính phủ (có đuôi .gov.vn), có đến 78% số website có thể bị tấn công toàn diện.
Tương tự, dựa trên số liệu quét server của hãng bảo mật TrendMicro thì Việt Nam đang chủ yếu bị tấn công vào Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan ngang bộ. Với 394 máy chủ bị kết nối âm thầm và thường trực ra máy chủ nước ngoài (chủ yếu là các máy chủ có địa chỉ ở Trung Quốc), Việt Nam hiện dẫn đầu cả thế giới về số lượng server bị tấn công, bỏ xa Nga ở vị trí số 2 (34 máy chủ) và Ấn Độ (19 máy chủ).
Dự đoán những xu hướng phạm tội trong năm 2013 tại Việt Nam, ông Hòa cho rằng, tội phạm mạng sẽ đẩy mạnh những hình thức mang về giá trị kinh tế cao như gian lận thẻ ngân hàng, rửa tiền xuyên quốc gia, lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Chúng cũng khai thác nhiều hơn các ứng dụng điện toán đám mây để tấn công, lấy cắp, thay đổi, phá hoại thông tin doanh nghiệp, tập trung khoan sâu vào bảo mật thiết bị di động hay tấn công qua mạng riêng ảo (VPN). Bên cạnh đó, hacker cũng sẽ tranh thủ sử dụng blog cá nhân, mạng xã hội để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, phát tán virus...
Theo Ictnews.vn