|
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình. |
Những thông tin mới nhất về cơ hội hợp tác gia công phần mềm với Nhật Bản do ông Trương Gia Bình cung cấp vừa làm "nóng" sự kiện Gặp gỡ ICT Xuân 2013 do các hội, hiệp hội CNTT-TT tổ chức tại Hà Nội.
Ông Bình cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sự phát triển phần mềm của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật, Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) vừa tổ chức riêng một hội thảo có tên “Vietnam ICT Day” ngay ở xứ sở hoa anh đào. Thông tin tại hội thảo “Vietnam ICT Day” cho thấy Việt Nam là nước duy nhất có thị phần gia công phần mềm cho Nhật tăng trưởng suốt 5 năm qua. Năm 2012, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để đứng ở vị trí thứ 2 về thị phần gia công phần mềm cho Nhật (chỉ sau Trung Quốc).
Theo ông Bình, “các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang chuẩn bị chuyển rất nhiều đơn hàng gia công phần mềm về các nước ASEAN theo công thức ASEAN + Trung Quốc (ASEAN plus China) thay cho công thức Trung Quốc + 1 (China plus One). Trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp Nhật đặc biệt ưu tiên 2 nước gồm Việt Nam và Myanmar, tuy nhiên Myanmar chắc không thể tiếp nhận nổi các đơn hàng lớn của Nhật. Dự báo từ bây giờ cho đến suốt 3 năm tới, liên tục các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đến thăm Việt Nam”.
Ông Bình ví von: “Việc doanh nghiệp Nhật chuyển địa điểm đặt hàng gia công phần mềm giống như đàn cá di chuyển từ nơi này sang nơi khác khi biển động. Điều tôi lo sợ nhất là khi gặp đàn cá lớn như vậy, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có nguy cơ “thủng lưới”. Mà nếu “thủng lưới” với Nhật Bản thì “cá” sẽ đi hết luôn vì các đối tác Nhật luôn đòi hỏi rất cao về chất lượng”.
Nỗi lo lắng lớn nhất của các đối tác Nhật khi làm việc với doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là sự thiếu hụt nhân sự biết nói tiếng Nhật.
“Để “đón sóng”, chúng ta phải tăng cường lực lượng bán hàng tại Nhật Bản từ những người đang học, làm việc tại quốc gia này. Hiện có khoảng 6.000 người Việt Nam sống, học tập tại đất nước mặt trời mọc. Đây là lực lượng quan trọng trong quan hệ Việt - Nhật. FPT sẽ tăng cường tuyển dụng và tạo cơ hội cho lực lượng này. Bên cạnh đó, FPT cũng tăng cường lực lượng kỹ sư cầu nối để đáp ứng nhu cầu của đối tác Nhật Bản”, ông Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm cho rằng các doanh nghiệp phần mềm Việt cần phải hiểu văn hóa và cách thức suy nghĩ của người Nhật thì mới hợp tác được với đối tác Nhật, TS. Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) chia sẻ: “Nếu chúng ta không chuẩn bị để đón thời cơ thì chắc chắn “cá” sẽ chuồn đi nơi khác. Các hiệp hội CNTT-TT như Hội Tin học Việt Nam nên phát động các công ty thành viên tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn tiếng Nhật, chí ít với 1 khóa học buổi tối khoảng 6 tháng thì những nhân viên trẻ cũng biết giao tiếp chào hỏi, đáp ứng yêu cầu tiếp cận khách hàng Không có lý gì trong những năm tới các doanh nghiệp CNTT Việt Nam lại để thủng lưới”.
Một khảo sát do Hiệp hội Tin học Nhật Bản (Information Technology Promotion Agency Japan) vừa thực hiện đối với hơn 1.100 doanh nghiệp CNTT Nhật Bản về hoạt động thuê ngoài (offshore) gia công phần mềm cho thấy có khoảng 31,5% các công ty CNTT Nhật Bản lựa chọn Việt Nam, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác như Ấn Độ (20,6%), Trung Quốc (16,7%), Thái Lan (9,7%), Phillipines (7,4%)...
Các doanh nghiệp Việt Nam gia công phần mềm cho Nhật Bản đang có sự tăng trưởng rất tốt về doanh thu. Đơn cử, trong số khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Vietnam ICT Day tại Nhật hồi cuối tháng 2/2013, có doanh nghiệp tăng trưởng với tốc độ 100%, thậm chí 400%… Dự kiến cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới, Tạp chí Nikkei sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đặt hàng gia công phần mềm.
Theo Ictnews.vn