|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho
Học viện Công nghệ BCVT. Ảnh: VGP/Từ Lương
|
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) ra đời năm 1996 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị nghiên cứu, đào tạo của ngành Bưu điện (Trường Đại học thông tin liên lạc, Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện và một số đơn vị khác…) để thực hiện gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh.
Học viện có 13 khoa đào tạo đại học và sau đại học với quy mô trên 28.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; 1 trung tâm đào tạo quốc tế thực hiện đào tạo chất lượng cao và liên kết đào tạo với các đại học nước ngoài; 2 trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (Trung tâm đào tạo BCVT 1 tại Hà Nội và Trung tâm đào tạo BCVT 2 tại TP Hồ Chí Minh).
Hoạt động nghiên cứu của Học viện được các viện nghiên cứu chuyên ngành hoạt động tự chủ thực hiện với 100% đề tài do doanh nghiệp đặt hàng và các kết quả nghiên cứu đều được áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT) nên hoạt động nghiên cứu của Học viện vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn và luôn theo kịp với các thay đổi của công nghệ, bám sát thực tiễn.
Qua thực tiễn hoạt động, Học viện Công nghệ BCVT khẳng định là mô hình của tổ chức nghiên cứu và đào tạo kiểu mới, chất lượng cao, hoạt động hoàn toàn tự chủ và phi lợi nhuận. Mô hình của Học viện là vừa có trường đại học, vừa có viện nghiên cứu, hoạt động tự chủ theo định hướng đáp ứng các nhu cầu xã hội, tiệm cận với mô hình của các trường đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Học viện đã tiên phong trong việc mở thêm một số ngành đào tạo mới ở Việt Nam như: Công nghệ đa phương tiện, an toàn thông tin... nhằm cung cấp nguồn nhân lực về an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin.
Chúc mừng Học viện BCVT được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hướng đi của nhà trường là đúng đắn và đã khẳng định được vị trí và vai trò đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị với thành tích đạt được, nhà trường cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ; nhanh chóng có kế hoạch đào tạo và chuẩn hóa trình độ tiếng Anh của giảng viên, sinh viên để có khả năng sử dụng trong công việc.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh Học viện cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành trong nước để đào tạo về an ninh, an toàn mạng với quy mô và chất lượng hàng đầu. Bên cạnh đó cần phối hợp với các sở thông tin và truyền thông để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các địa phương.
Trước những thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân lực, cơ cấu sản phẩm của ngành thông tin, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Học viện có kế hoạch xây dựng và nghiên cứu chiến lược phát triển của thông tin truyền thông nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Theo Baodientu.chinhphu.vn