THƯ VIỆN SÁCH KHỔNG LỒ.- www.vnthuquan.net là một địa chỉ quen thuộc của dân ghiền sách, với 7.076 quyển sách văn xuôi, 9.121 bài thơ và 5.241 bản nhạc, trang web hầu như đáp ứng tất cả nhu cầu tìm hiểu và đọc sách của các bạn trẻ. Anh T.N.T, một nhân viên mê lịch sử, cho biết: “Cứ rảnh giờ nào là tôi lên trang web giờ nấy vì tại đây có thể thấy từ Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch năm 1993 của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (vốn có giá lên tới gần 400.000 đồng nếu mua bản sách giấy) đến các cuốn lược sử hữu ích như Sử Trung Quốc của cố dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Đọc tại đây chưa thỏa, tôi tải về nhà đọc tiếp”.
Một nỗ lực đáng trân trọng của những người coi thư viện này là lưu giữ các văn bản Hán Nôm bằng nguyên ngữ, các tài liệu chữ Nôm được scan lại hoặc gõ bằng phần mềm tiếng Nôm chuyên dụng, theo đánh giá của N.Tân, một giảng viên tiếng Hoa, các tài liệu tại đây khá chính xác và hữu dụng.
Đáng ghi nhận là những tác phẩm mới như Mật mã Da Vinci, Rừng Na Uy... mới thấy ở tiệm sách, hai hôm sau đã chễm chệ nguyên cuốn trên web. Cùng tiêu chí với Việt Nam thư quán là trang web www.dactrung.com, tại đây các truyện ngắn và tiểu thuyết sưu tầm của các tác giả trong nước hầu như có mặt đầy đủ, về thơ thì trải rộng từ Chế Lan Viên cho đến các bài thơ trong Tuyển tập thơ văn Áo Trắng của NXB Trẻ.
ĂN THEO MÓN, Ở THEO MÙA.- Trong giới lang thang đọc sách trên mạng thì dân ghiền võ hiệp xếp hàng đầu. Nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đó, www.nhanmonquan.com, www.vietkiem.com xuất hiện, trong “tàng kinh các” nơi đây lưu trữ hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp trên thế giới, trọn bộ Kim Dung, Cổ Long, thậm chí các bộ của Cổ Long tuy chưa xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam như Đa tình hoàn, Anh hùng vô lệ... đã có tại đây cả. Tuy bản dịch còn thô sơ nhưng nhiệt tình của các bằng hữu vì nền sách võ hiệp này thật đáng trân trọng. Một vài bộ truyện kiếm hiệp Việt chưa được in thành sách cũng đem ra “thử lửa” như Tử chiến Phiên Ngung thành, Ngô Vương bí lục...
Dù các trang web về thơ có vẻ hơi yếu thế nhưng trang web www.nguoiyeutho.com.vn do một nữ sĩ Hà thành quản trị thu hút khá đông lượt truy cập. Ưu điểm của trang web này là cập nhật văn chương thời sự và các nhà thơ trẻ chứ không chú tâm làm một thư viện cũ như các trang web khác. Nên trang web này nhận được sự cộng tác của khá đông tác giả trẻ. www.vannghesongcuulong.org cũng là trang web văn chương khá lạ, vừa có thơ lưu trữ vừa có thơ cập nhật, với sự cộng tác thường xuyên của nhà thơ Inrasara, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Hòa... nên đây là trang văn chương có chất lượng và đáng tin cậy.
Một xu hướng gần đây trong làng văn chương trên mạng đáng lưu ý là các nhà văn, nhà thơ mở các website riêng. Điều này khá thuận lợi cho các độc giả ưu ái một tác giả nào đó. Nếu từng mê Kiếm sắc, Vàng lửa của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp thì chỉ cần gõ www.nguyenhuythiep.free.fr, tất cả truyện ngắn, truyện dài, in và chưa in thành sách cũng như bài bình luận, hình ảnh của nhà văn này sẽ đến với bạn đọc nhanh nhất. www.thunguyetvn.com là trang của nữ nhà thơ Thu Nguyệt, tại đây ngoài toàn bộ tác phẩm của chị và chồng là cố họa sĩ Việt Hải, còn có các giọng thơ văn trẻ đang lên “gửi ké” vào. Có thể kể tên một vài trang khác như www.khuongha.vnaz.info của nhà thơ Khương Hà hay www.phongdiep.net của nhà văn Phong Điệp.
CHÚT CHUYỆN BẢN QUYỀN.- Việc tiền tác quyền của các tác phẩm in trên các website là chuyện rất... khó nói. H.T.Huân, một dịch giả truyện chưởng nói, chủ quản trang www.nhanmonquan.com có trả tiền cho anh nên anh rất hài lòng với thái độ làm việc lịch sự, sòng phẳng của những người điều hành trang web. Ngược lại nhà văn T., chuyên viết các bài bình luận sách lại phàn nàn rằng trang www.evan.com đã lấy bài anh đăng mà không xin phép, thậm chí chỉnh sửa và thay tên tác giả. Đấy là câu chuyện dài, duy chỉ có giới đọc sách là có thêm nhiều nguồn để tra cứu ngoài cái thú lang thang các nhà sách hay thư viện. Lợi ích cho người đọc, điều đáng ghi nhận của các website văn chương tiếng Việt hiện nay.
Theo NLĐ