|
Một góc VTC Studio - nơi thiết kế và sản xuất các sản phẩm nội dung số của VTC. |
Từ 2010 trở lại đây, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam như VNG, VTC đã bắt tay vào thiết kế và sản xuất các sản phẩm nội dung số để phát hành trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp này vừa chập chững bước chân vào lĩnh vực sản xuất game trên PC với đầy rẫy khó khăn. Nhưng khó khăn này chưa qua đi thì "làn sóng" Mobile, Smartphone và Smart TV đã ập tới rất nhanh. Tất cả các doanh nghiệp trong ngành nội dung số đã phải nhanh chóng giảm bớt các hoạt động phát triển dịch vụ trên PC, đi tắt thật nhanh để chuyển sang dịch vụ cho Mobile và Smart TV.
Ông Phan Sào Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị VTC Online cho biết, ngay trong năm 2012, VTC Online đã bắt đầu chuyển sang các sản phẩm mobile và dẹp bớt những dự án sản phẩm về PC đang làm dở dang. Mạng xã hội Go.vn bắt đầu làm các sản phẩm như nghe nhạc, xem phim, đọc truyện và chat trên mobile. Ông cho rằng, làn sóng mobile và SmartTV là thách thức rất lớn cho cả các doanh nghiệp nội dung số và các telco (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động - PV). Bởi người dùng di động sẽ dùng dịch vụ nội dung số là chủ yếu. "Nếu các telco không cởi mở, không hợp tác tốt với các doanh nghiệp nội dung số thì tất cả cùng đói. Nếu không bắt tay nhau thì thị trường nội dung số sẽ rơi vào tay các đại gia nước ngoài, chúng ta sẽ chẳng còn gì mà ăn", ông Nam nói.
Ngay thời điểm này những doanh nghiệp như VTC, VNG phải cạnh tranh với các doanh nghiệp toàn cầu như Facebook, Google, Apple. Và thực tế là ở lĩnh vực mạng xã hội. các doanh nghiệp nội đã đầu hàng, không một doanh nghiệp nào có thể vượt được với Facebook với con số 10 triệu người dùng ở Việt Nam. Trong mảng dịch vụ nội dung cho mobile, các doanh nghiệp toàn cầu như Google, Yahoo, Facebook đã đi rất sâu và có tính toàn cầu, còn những doanh nghiệp Việt Nam mới đang trong giai đoạn khởi động.
Trở lại với câu chuyện về vai trò của nhà nước, ông Dương Thế Lương - Giám đốc VTC Intecom, doanh nghiệp chiếm thị phần thứ hai về dịch vụ nội dung số (chỉ sau VNG) cho rằng, kinh doanh dịch vụ nội dung số (đặc biệt là game online) có tính rủi ro cao do vòng đời sản phẩm ngắn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách cởi mở để tạo môi trường cho doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển. Chính sách bị thắt chặt khiến dịch vụ nội dung số rất khó phát triển sản phẩm mới, kể từ khâu quản lý cấp phép, quảng bá sản phẩm và những chủ trương cấm cục bộ ở một số địa phương.
Ông Lương nhận định, dịch vụ nội dung số đang bị cạnh tranh xuyên biên giới và những khó khăn trong năm qua khiến VTC Intecom bị mất dần thị phần vì khó ra các dịch vụ mới trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao. Ông Phan Sào Nam cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là Nhà nước chưa hỗ trợ ngành nội dung số, kể cả việc đối chọi, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại trong nước và khi mang sản phẩm đi ra nước ngoài.
Thị trường nội dung số Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhiều chuyên gia bày tỏ hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách rõ ràng và cởi mở hơn để các doanh nghiệp nội địa phát triển bởi nội dung số là ngành mang lại giá trị gia tăng rất cao.
Theo Ictnews.vn