Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 27/02/2013
Máy tính của bệnh viện mới chỉ thay thế giấy bút?!

Đa phần các hệ thống phần mềm đang được sử dụng tại các bệnh viện công ở Việt Nam đều thiếu đồng bộ và chuyên nghiệp. Hoạt động ứng dụng CNTT nhiều khi chỉ dừng ở mức dùng máy tính thay thế giấy bút.

Ung dung CNTT y te.jpg
Ứng dụng CNTT tại bệnh viện không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh mà còn tạo ra ngân hàng dữ liệu vô giá cho nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dân vẫn khổ dù bệnh viện đã ứng dụng CNTT

Hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều đã ít nhiều sử dụng máy tính và phần mềm. Tuy nhiên, tình trạng quá tải bệnh viện, xếp hàng dài để chờ khám chữa bệnh vẫn diễn ra rất phổ biến ở các bệnh viện công, đặc biệt là những bệnh viện có uy tín.

Thực tế khảo sát của phóng viên ICTnews tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy bộ phận tiếp nhận đăng ký của người khám chữa bệnh đã bố trí máy tính để nhân viên nhập dữ liệu cá nhân của người đến đăng ký, nhưng vẫn còn tình trạng người đến khám chữa bệnh phải chen chúc chờ đến lượt mình được nhập dữ liệu vào phần mềm máy tính. Gặp hôm nào nhân viên ngồi “mổ cò” trên bàn phím, hoặc mạng nghẽn, phần mềm trục trặc… thì thời gian chờ đợi kéo khá dài, thậm chí còn lâu hơn phương thức thủ công, khiến mọi người bức xúc.

Trao đổi với phóng viên ICTnews về hiện trạng này, ông Phan Xuân Trung, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển điện toán y khoa Hoàng Trung nhận định: “Hầu hết các bệnh viện công hiện nay đều có hình ảnh như phóng viên mô tả, trừ một số bệnh viện đã ứng dụng CNTT đầy đủ. Các lãnh đạo bệnh viện đều đã nhận thức được rằng ứng dụng CNTT sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân, song vẫn còn nhiều lý do khiến cho bệnh viện chưa ứng dụng. Trước hết phải kể đến sự thất bại trong ứng dụng CNTT trong những thời kỳ đầu. Các bệnh viện hăm hở trang bị phần mềm, nhưng phần mềm lại quá kém về tính năng nên có khi lại làm bệnh viện mất nhiều công sức hơn là không dùng phần mềm. Thứ hai, khi trang bị phần mềm thì phải trang bị đồng bộ cho các bộ phận của bệnh viện, từ nhân viên tiếp nhận, đến ban giám đốc bệnh viện, rất tốn tiền trong khi nguồn tài chính của bệnh viện có hạn. Hầu hết các bệnh viện hiện nay dùng phần mềm rời rạc cho các tác vụ khác nhau. Có bệnh viện phải cùng lúc nhập liệu cho nhiều phần mềm với cùng nội dung, gây tiêu tốn thời gian và nguồn nhân lực. Ngoài ra còn có yếu tố kháng cự, không muốn phần mềm đưa vào hoạt động quản lý, kiểm soát, làm mất quyền lợi riêng của bác sĩ, y tá”.

Ông Trung cũng lưu ý, hiện có rất nhiều phần mềm quản lý bệnh viện (khoảng 30 nhà cung cấp trên thị trường) nhưng hầu hết là không chuyên nghiệp, dẫn tới tình trạng bệnh viện chỉ dùng máy tính thay thế giấy bút mà thiếu tính năng quản lý toàn diện, không có tính tương tác số liệu hay những tác vụ thông minh giúp đỡ cho công việc chuyên môn.

“Từng có tài liệu nói rằng có khoảng 5% bệnh viện ở Việt Nam ứng dụng CNTT tốt. Tuy nhiên, như thế nào là tốt thì không ai quy chuẩn. Số liệu thống kê về số bệnh viện ứng dụng tốt là 5% không thật sự đáng tin cậy. Bộ Y tế trước đây cũng đã đưa ra tiêu chí chuẩn cho một phần mềm quản lý bệnh viện, nhưng các tiêu chí này không phù hợp thực tế”, ông Trung lưu ý thêm.

Đầu tư CNTT là đầu tư sinh lời 

Theo đánh giá của các chuyên gia CNTT và y tế thì những quy định chi tiêu công quá chặt chẽ, phức tạp, cộng hưởng với sự eo hẹp của ngân sách Nhà nước đang là một trong những “lực cản” lớn nhất khiến cho các dự án triển khai ứng dụng CNTT tại bệnh viện bị ngừng lại hoặc chậm tiến độ.

Với hơn 10 năm nghiên cứu về CNTT trong y tế, ông Trung phân tích: “Bệnh viện muốn trang bị phần mềm phải thiết lập hồ sơ, dự án theo quy định, mất hàng năm trời vẫn chưa được phê duyệt. Điều đáng nói là những quy định ràng buộc đó không hề mang tính thực tế và người lập dự án đã cố gắng “vẽ” ra những chi tiết số liệu vô nghĩa như số lượng tính năng (function), ngày công lao động… miễn là đáp ứng đủ từng đoạn văn theo quy định. Bệnh viện có tiền, muốn dùng tiền trong quỹ hoạt động sự nghiệp để mua phần mềm nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện thì phải làm dự án xin “ba tầng, bảy lớp” cơ quan quản lý cấp trên mới được xài tiền của mình. Còn bệnh viện không có tiền, xin cấp trên thì chỉ được chi tượng trưng. Một bệnh viện tuyến trung ương, xin tiền của Bộ Y tế để trang bị phần mềm thì được chi tối đa 500 triệu đồng, trong khi số tiền cần có lớn hơn rất nhiều. Đơn cử, mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa ký hợp đồng mua phần mềm trong nước với giá… 25 tỷ đồng (khoảng 1 triệu đô la Mỹ)”.

Tiền đầu tư được chi nhỏ giọt nên đã có những bệnh viện như Bạch Mai phải triển khai đầu tư từng mảng phần mềm khác nhau, đến nay vẫn chưa có phần mềm đồng bộ mà phải dùng hàng chục phần mềm riêng lẻ của hàng chục nhà cung cấp khác nhau, không phát huy tốt hiệu quả khi ứng dụng thực tế.

Bàn về câu chuyện đầu tư ứng dụng CNTT tại bệnh viện, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT IS khẳng định: “Bỏ tiền đầu tư CNTT là đầu tư trước, sinh lợi sau. Giả sử một bệnh viện với phương thức khám chữa bệnh thủ công truyền thống, kết quả khám chữa bệnh được chuyển bằng giấy tờ đến từng bộ phận chuyên môn như bác sĩ đọc phim, y tá viết bệnh án hoặc viết đơn thuốc, nhân viên phát thuốc… thì mỗi ngày chỉ khám được cho 1.000 bệnh nhân. Nhưng khi có ứng dụng CNTT, các khâu tác nghiệp từ khám chữa bệnh đến chuyển kết quả được thực hiện qua mạng Internet (một số bệnh viện tư còn ứng dụng CNTT vào cả khâu cấp thuốc), thì cũng với ngần ấy bác sĩ, máy móc, thiết bị, bệnh viện có thể khám được 1.300 – 1.400 hoặc 2.000 người. Nếu bệnh viện khám cho 1.000 người thu được 100 triệu đồng, thì khám 1.500 người sẽ thu 150 triệu đồng mỗi ngày, cứ thế nhân lên theo ngày tháng thì thấy hiệu quả rõ rệt, và có thể nói đây là phương thức bệnh viện tự sinh lời. Các lãnh đạo cần hiểu rằng đầu tư cho CNTT không phải là khoản chi vứt đi mà là khoản đầu tư đáng tiền”.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia thì thay vì quyết định cấp đất, xây 3 – 4 trụ sở bệnh viện mới, lãnh đạo ngành y tế nên dùng khoản đầu tư này chi cho việc tăng cường ứng dụng CNTT cho 1 bệnh viện, khi đó có thể đạt được hiệu quả và giá trị gia tăng lớn hơn như tăng tính chính xác số liệu của hoạt động khám chữa bệnh, tiết giảm thời gian chờ của bệnh nhân, tiết kiệm chi phí do thất thoát và do sai lầm chuyên môn, nắm bắt ngay tức thời số liệu hoạt động bệnh viện, tạo ra ngân hàng dữ liệu vô giá cho nghiên cứu khoa học về sau…

Một câu hỏi đặt ra là nếu bệnh viện không có tiền để đầu tư thì liệu có cách nào khác để vẫn có thể tăng cường ứng dụng CNTT? Câu trả lời được ông Đỗ Cao Bảo đưa ra: “Nếu bệnh viện ở Việt Nam không có tiền, có thể học Trung Quốc áp dụng công thức: doanh nghiệp CNTT (như FPT) đầu tư toàn bộ hệ thống CNTT, sau đó chỉ xin trích lại 4% doanh thu hàng năm của bệnh viện để thu hồi vốn và phát sinh lãi để tái đầu tư. Nếu Bộ Y tế chấp nhận thì FPT sẵn sàng “chơi” kiểu đó”.

Một số gương điển hình về ứng dụng thành công CNTT trong bệnh viện (BV) gồm: BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, BV đa khoa Hữu nghị Việt-Tiệp ở Hải Phòng, BV huyện Tam Dương – Vĩnh Phúc, BV 74 trung ương ở Vĩnh Yên, BV đa khoa Phú Quốc, BV đa khoa tư nhân Bình Dương… Các bệnh viện này sử dụng phần mềm một cách đồng bộ, hiệu quả trong tất cả các hoạt động chuyên môn của bệnh viện từ ngoại trú đến nội trú, thực sự có bệnh án điện tử được lưu trữ và truy cập nhanh khi cần thiết.

Đặc biệt, Phòng khám đa khoa An Khang của Công ty Sữa Vinamilk đã trang bị phần mềm từ năm 2006, cho đến nay vẫn hoạt động rất tốt, ổn định. Không có nơi nào có ngân hàng dữ liệu bệnh nhân đầy đủ, chi tiết, xuyên suốt nhiều năm như của phòng khám này.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0