Thứ ba, 14/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/02/2013
Hơn 20 tỷ đồng "chờ" doanh nghiệp phần mềm "giải ngân"

Gần 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) sẽ được chi từ ngân sách nhằm giúp các doanh nghiệp phần mềm triển khai 2 chứng chỉ CMMi và ISO27001 - công cụ marketing hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vấn đề là doanh nghiệp có “chịu tiêu" hay không.

doanh nghiep phan mem.jpg
CMMi thể hiện một phần năng lực của doanh nghiệp và được xem là công cụ marketing hiệu quả. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngân sách Nhà nước sẵn sàng chi

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” trong vòng 5 năm (2010 - 2014), với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Sơ kết triển khai Dự án giai đoạn 2010 - 2012, TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT (đơn vị quản lý, tổ chức triển khai Dự án) cho biết Bộ TT&TT đã tổ chức 12 khóa đào tạo về CMMi cho gần 400 lượt học viên đến từ trên 100 doanh nghiệp, tổ chức phần mềm, nội dung số; đã hỗ trợ 22 doanh nghiệp triển khai CMMi, trong đó 1 doanh nghiệp đạt CMMi mức 5, 14 doanh nghiệp đạt CMMi mức 3.

Theo khảo sát sơ bộ gần đây của Vụ Công nghiệp CNTT thuộc Bộ TT&TT, 12/14 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi có doanh thu từ xuất khẩu phần mềm tăng liên tiếp trong 3 năm 2009 – 2012; khoảng 2/3 doanh nghiệp cho biết uy tín của doanh nghiệp tăng lên đáng kể sau khi đạt chứng chỉ CMMi.

Với những kết quả đạt được, dự kiến từ nay đến năm 2014, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tổ chức 18 khóa đào tạo về CMMi và kỹ năng sản xuất phần mềm, 18 khóa đào tạo về ISO 27001 và các nội dung về an toàn thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức; tiếp tục hỗ trợ thêm 11 doanh nghiệp triển khai CMMi, hỗ trợ 30 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình theo ISO 27001, hỗ trợ 40 doanh nghiệp đánh giá, lấy chứng chỉ ISO 27001.

Với các mức hỗ trợ 15.000 USD/doanh nghiệp nhận hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình CMMi, 10.000 USD/doanh nghiệp nhận hỗ trợ đánh giá, đạt chứng chỉ CMMi, 12.000 USD/doanh nghiệp nhận hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình ISO 27001, 8.000 USD/doanh nghiệp nhận hỗ trợ đánh giá, đạt chứng chỉ ISO 27001, thì ước tính tổng chi phí từ ngân sách sẵn sàng “rót” cho các doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2014 lên tới gần 1 triệu USD (tương đương hơn 20 tỷ đồng).

Chỉ cần doanh nghiệp "chịu chơi"

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software nhận định: “CMMi thể hiện một phần năng lực của doanh nghiệp và được xem là công cụ marketing hiệu quả của bất cứ công ty phần mềm nào muốn gia nhập vào các thị trường gia công phần mềm lớn trên phạm vi toàn cầu. CMMi không chỉ là thước đo năng lực của một doanh nghiệp mà còn là công cụ xây dựng thương hiệu cho cả ngành phần mềm của Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý: “CMMi có 5 mức, để có được chứng chỉ CMMi, doanh nghiệp không chỉ mất chi phí mà còn phải tốn khá nhiều thời gian và nhân lực. Chẳng hạn như FPT Software đã phải mất 8 năm để có thể đạt được chứng chỉ CMMi ở mức cao nhất. Do đó, doanh nghiệp cần căn cứ vào quy mô và năng lực thực tế của mình để thực hiện các quy trình lấy chứng chỉ CMMi theo mức phù hợp”.

Trên thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp phần mềm, nội dung số hiện nay thì dự án hỗ trợ lấy chứng chỉ CMMi và ISO 27001 đang được ví như một “miếng ngon khó xơi”. Mức hỗ trợ hàng chục nghìn USD trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay không hề nhỏ song để “thụ hưởng” được thì doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng “lận lưng” một khoản tương đương để đóng góp vào việc triển khai và đạt được chứng chỉ CMMi hoặc ISO 27001, đồng thời phải toàn tâm toàn ý đầu tư nhân lực và thời gian để có thể gặt hái thành quả.

Bởi vậy, cũng khá dễ hiểu khi hơn 1/2 thời gian triển khai dự án trôi qua mới chỉ có hơn 10 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi, con số quá nhỏ so với mục tiêu đề ra ban đầu của Dự án là sau 3 năm sẽ có 90 doanh nghiệp đạt CMMi mức 3. Bên cạnh đó, cũng đã có một số công ty phải “đứt gánh giữa đường” hoặc có những dự án bị “gãy ngay từ đầu” bởi nhiều lý do như: doanh nghiệp không có đủ dự án để tham gia triển khai và đánh giá cấp chứng chỉ; dự án triển khai vào giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực cho các dự án của khách hàng của họ để kịp đóng các dự án này trong năm; tình hình kinh tế khó khăn nên một vài công ty thanh toán chậm trễ hoặc không có khả năng tiếp tục dự án dẫn đến huỷ hợp đồng…

Nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện tham gia xây dựng, áp dụng CMMi quá ít so với thiết kế ban đầu, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung thêm hạng mục hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ISO 27001 vào Dự án Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi do Bộ TT&TT làm chủ đầu tư.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT nói: “Trong thời kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng tôi hiểu doanh nghiệp còn nhiều chuyện phải lo. Nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ Dự án lên tới khoảng 2/3 tổng kinh phí cho đợt đánh giá, cấp chứng chỉ đầu tiên, doanh nghiệp nên cân nhắc tham gia để có thể tận dụng cơ hội nâng tầm doanh nghiệp lên một mức mới, chắc chắn sức cạnh tranh sẽ được nâng cao hơn rất nhiều”.

“Chứng chỉ CMMi giống như một giấy thông hành giúp doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Còn chứng chỉ ISO 27000 đảm bảo hiệu quả ứng dụng CNTT của doanh nghiệp”, ông Đường nhấn mạnh thêm.

CMMi (Capability Muturity Intergration Model - Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp) là chuẩn đánh giá về mức độ thuần thục trong quy trình sản xuất phần mềm do Viện Công nghiệp Phần mềm Mỹ (SEI - Software Engineering Institute) phát triển và hiện đang được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới. Việc các doanh nghiệp sản xuất phần mềm đạt chứng chỉ CMMi không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mà còn tạo ra thương hiệu cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Còn ISO 27001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thông tin (Information Security Management System - ISMS). Hiện mới chỉ có 3 - 4 doanh nghiệp phần mềm đạt chuẩn này. Thời gian tới, việc hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm triển khai chuẩn ISO 27001 cũng sẽ được tiến hành song song với việc triển khai chuẩn CMMi, đặc biệt nhắm tới các doanh nghiệp gia công phần mềm và làm sản phẩm tích hợp cho thị trường nước ngoài.

 
Năm 2009, FPT Software đã ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ TT&TT về việc chuyển giao Bộ tài liệu Kinh nghiệm triển khai, xây dựng, áp dụng và thi lấy chứng chỉ CMMi 5 với mong muốn khích lệ các doanh nghiệp CNTT lấy chứng chỉ và áp dụng CMMi.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0