|
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc FPT Software làm việc với Tập đoàn Freescale của Mỹ |
Nếu Nhật Bản được xem là “thánh địa” gia công phần mềm của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam với tỷ lệ 75% doanh nghiệp coi đây là thị trường chính, thì Mỹ lại đang được xem là thị trường giúp các doanh nghiệp Việt “nâng tầm công nghệ”. Cắm rễ và phát triển được tại thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có được cơ hội tiếp cận những “gã khổng lồ” trong mọi lĩnh vực kinh tế từ hàng không, dầu mỏ, tài chính… Đồng thời có cơ hội “nâng tầm công nghệ” khi đầu tư vào các xu hướng công nghệ mới của thế giới như ứng dụng di động (mobility), điện toán đám mây (cloud computing)… để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, “sau 4 năm chính thức mở công ty tại Mỹ, hoạt động tại thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức chiếm 9% doanh số FPT Software, năm 2012 đã đạt mức 22%”.
“FPT Software đang có sức tăng trưởng rất tốt với những công ty hàng đầu của Mỹ trong danh sách Fortune 500”, ông Tiến khẳng định. Chẳng hạn đầu năm 2012, FPT Software đã trở thành đối tác chiến lược về mảng mobility cho hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Hay có được hợp đồng với 2 khách hàng thuộc diện có doanh thu “tỷ Đô”, bao gồm một “ông trùm” chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty dầu mỏ và một nhà cung cấp bán dẫn hàng đầu trong lĩnh vực xe hơi. Hiện FPT Software đang trong quá trình đàm phán với một tập đoàn công nghệ và giải pháp phần mềm có trụ sở tại Mỹ để đưa công nghệ mobility của Tập đoàn này dẫn đầu trong mảng Enterprise Mobility (ứng dụng di động cho doanh nghiệp) trên phạm vi toàn cầu.
Ông Bùi Hoàng Tùng, Giám đốc FPT Software tại Mỹ (FUSA), đã chia sẻ về chiến lược phát triển thị trường Mỹ trong thời gian tới, rằng "mục tiêu của FUSA trong các năm tiếp theo là sẽ kinh doanh tập trung vào các công ty Fortune 500 với các mảng công nghệ di động, điện toán đám mây, phần mềm nhúng... Chúng tôi mong muốn xây dựng FUSA thành một công ty Việt Nam thành công, có tiếng tăm tại Mỹ. FUSA sẽ luôn giữ tốc độ tăng trưởng thị trường cao nhất và đưa quy mô thị trường Mỹ tương đương với Nhật Bản trong vòng 3-5 năm tới. Hiện FUSA đã có hoạt động tại nhiều trung tâm kinh tế lớn của Mỹ, bao gồm Silicon Valley, New York, Austin, Dallas, Los Angeles, Seattle, Minneapolis…"
Cũng giống như FPT Software, nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khác cũng đã và đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh sức ép lên thị trường outsourcing của Mỹ đang giảm dần do nền kinh tế của thị trường này đã dần phục hồi sau khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ hơn 10% xuống còn 7%.
Theo đại diện của công ty phần mềm Somotsoft, hoạt động xuất khẩu phần mềm của công ty tại thị trường Mỹ đang tiến triển rất tốt, năm 2012, doanh thu tăng khoảng 20% so với năm 2011. Còn theo lãnh đạo Công ty Global CyberSoft (GCS), “thị trường gia công phần mềm năm 2013 dự kiến tiếp tục tăng trưởng, công ty kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ vào khoảng 30-40% so với năm 2012. Hai thị trường chính có tỉ trọng lớn vẫn là Mỹ và Nhật Bản”.
Trong khi đó, theo Hồ sơ về Thị trường Hoa Kỳ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố năm 2012, Việt Nam sẽ trở thành nơi một số công ty Hoa Kỳ đặt gia công phần mềm.
Tuy nhiên, để thâm nhập và chinh phục được các “đại gia” của thị trường này, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phải trải qua một số yêu cầu nhất định về chất lượng và quy trình nghiệp vụ như chứng chỉ quy trình sản xuất CMMi, chứng chỉ về bảo mật thông tin BS7799… Những chứng chỉ này không chỉ là thước đo năng lực của một doanh nghiệp mà còn là công cụ xây dựng thương hiệu cho cả ngành phần mềm của Việt Nam.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, FPT Software chính thức được Microsoft công nhận Năng lực Vàng về Mobility. Sự kiện này đánh dấu một niềm tin và kỳ vọng mới trong năm 2013, ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sẽ vươn lên đón đầu những làn sóng công nghệ mới nhất để trở thành những người tiên phong.
Theo Ictnews.vn