|
Thị trường sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin và ứng dụng dịch vụ ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực cao cấp trong ngành này. Trong ảnh: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị các toà nhà thông minh. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Điều dễ nhận thấy ở các tập đoàn toàn cầu là thay thuyền tưởng nhưng vẫn trên một nền tảng chiến lược kinh doanh xuyên suốt. Nhu cầu địa phương hoá các kênh kinh doanh đòi hỏi các “tướng” về độ am tường thị trường cùng khả năng kết nối nhịp nhàng để thực thi chiến lược toàn cầu. Việc thay tướng còn là sự thất bại về nhân sự lãnh đạo, khi thị trường càng khó khăn càng bộc lộ những điểm yếu, điều này thể hiện rõ nhất ở áp lực tái cơ cấu của các tập đoàn trong nước.
Người mới, chiến lược không mới
Khi bổ nhiệm ông Tan Jee Toon làm tổng giám đốc tại Việt Nam, hãng IBM cho biết với 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ, ông Jee Toon sẽ hỗ trợ cuộc phát triển và đổi mới sáng tạo của IBM tại Việt Nam với chiến lược “thành phố thông minh hơn”, mục tiêu Việt Nam là thị trường tăng trưởng chính của IBM tại ASEAN. Người tiền nhiệm, ông Võ Tấn Long được “trưng dụng” phụ trách các dự án đặc biệt của IBM ASEAN. Ông Long tham gia IBM ngay từ những ngày đầu hãng này trở lại Việt Nam năm 1994.
Chiếc ghế bỏ trống ở Qualcomm cũng đã thuộc về Thiều Phương Nam. Ông Nam rời vị trí phó tổng IBM Vietnam về làm tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, đồng thời là giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Trước IBM, ông Nam còn có hơn mười năm phát triển kinh doanh cho Intel, giờ sẽ trở thành người thực thi chiến lược “Công dân 3G” của Qualcomm, nhằm đẩy mạnh công nghệ kết nối không dây tại Việt Nam.
Ông Vũ Minh Trí được xem là “tay đua tốc độ” trong làng công nghệ khi chưa đầy mười năm từ Sony Ericsson sang Yahoo, Qualcomm, đến Microsoft. Khi đảm nhận vị trí tổng giám đốc Microsoft Vietnam cách đây vài tháng, ông Trí không tiết lộ lý do rời Qualcomm nhưng cho biết “mỗi doanh nghiệp có những chiến lược, mục tiêu cho từng thời điểm hay từng giai đoạn và đi tìm thuyền trưởng phù hợp; các cá nhân trong sự nghiệp của mình cũng có kế hoạch, mục tiêu ưu tiên theo thời điểm và phù hợp với mình”.
Một nhân vật khá ấn tượng khi tái xuất hiện là ông Benoit Nalin, người am hiểu Việt Nam sau nhiều năm ở Nokia, đã đầu quân cho hãng điện thoại RIM, phụ trách các thị trường mới nổi ASEAN gồm Việt Nam. Sự xuất hiện của ông nhanh chóng khuấy động hình ảnh BlackBerry. Tương tự, ông Nguyễn Minh Sơn, giám đốc ngành hàng máy tính Samsung về làm tổng giám đốc Lenovo Việt Nam, nhằm thúc đẩy kinh doanh trong các khối doanh nghiệp và bảo đảm kênh phân phối đến người tiêu dùng cá nhân.
Chừng mười năm trước, các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các tập đoàn công nghệ chủ yếu là các đặc phái viên từ tập đoàn, thì ngày nay nhân sự trong nước trưởng thành và đang thay thế dần, bổ sung cho lực lượng lao động cao cấp.
Áp lực ở các công ty trong nước
Vấn đề đặt ra ở các công ty trong nước còn là sự khủng hoảng cả về chiến lược và nhân sự thực hiện chiến lược. Sau nhiều năm kinh doanh sụt giảm và thua lỗ, từ năm 2013, tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) đã phải tái cơ cấu lại theo đề án được bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt. Việc tái cơ cấu VTC cũng đồng nghĩa với tái cơ cấu lãnh đạo và rút gọn bộ máy, theo hướng tập trung vào dịch vụ nội dung số và truyền hình. VTC đã phải dựa vào chương trình hỗ trợ của ADB về “cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” để tái cấu trúc và xử lý các tồn tại tài chính, ổn định kinh doanh. Trước đó VTC đã dừng hoạt động bảy đơn vị, sáp nhập và rút vốn tại nhiều công ty con, bố trí lại gần 400 lao động, tập đoàn này sẽ tiếp tục thoái vốn và rút quyền góp vốn và thương hiệu tại các công ty khác.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) năm qua cũng đối mặt với việc tái cơ cấu các công ty con. Vị trí giám đốc ở công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) chưa đầy hai năm đã qua ba người. Xu hướng “trẻ hoá lãnh đạo” được VDC thử nghiệm và chưa thấy thành công. Tân giám đốc Nguyễn Văn Hải sinh năm 1978, thuộc hàng ngũ lãnh đạo trẻ ở một công ty nhà nước. Ông Hải vốn kinh nghiệm trong mảng dịch vụ gia tăng, nay thực hiện kế hoạch tối ưu hoá các nguồn lực trên nền các đầu tư của VDC về cơ sở dữ liệu, hạ tầng internet, giải pháp…
Cũng từ năm 2013, quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại tổng công ty Bưu chính viễn thông (VietnamPost) đã được chuyển từ VNPT sang bộ Thông tin và truyền thông, đồng thời hoàn tất lộ trình chia tách bưu chính với viễn thông đã khởi động mười năm trước. Việc cơ cấu lại chắc chắn sẽ cần đến một bộ máy lãnh đạo phù hợp với yêu cầu mới của cái tên tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Theo Ictpress.vn