|
Mạng lưới gián điệp mạng đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành ngành công nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bkav phân tích: Đa phần người sử dụng vẫn ngộ nhận rằng file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) là loại file an toàn, không có virus. Không đơn giản để thay đổi quan điểm này trong tương lai gần và đó chính là điều kiện “lý tưởng” để giới tội phạm phát triển một mạng lưới gián điệp. Năm 2013, gián điệp mạng sẽ trở thành một "ngành công nghiệp".
Những hình thái phát tán mã độc vốn chỉ thấy trên môi trường máy tính sẽ chuyển hướng bùng phát trên môi trường smartphone trong năm 2013. Các phần mềm nổi tiếng, phần mềm an ninh cho điện thoại di động sẽ là đối tượng bị giả mạo nhiều nhất. "Nhu cầu cài đặt phần mềm an ninh cho di động tăng cao là miếng mồi ngon để giới tội phạm nhắm tới", ông Nguyễn Công Cường, phụ trách Bộ phận an ninh di động của Bkav chia sẻ.
Cũng trong công bố chiều nay, Bkav đã điểm lại một số nét chính về tình hình an ninh mạng năm 2012 tại Việt Nam: An ninh mạng tại các cơ quan, doanh nghiệp không được cải thiện. Theo thống kê của Bkav, trong năm 2012 vẫn có tới 2.203 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công, chủ yếu thông qua các lỗ hổng trên hệ thống mạng (năm 2011 có 2.245 website bị tấn công). Đặc biệt, phần mềm gián điệp trở thành chiến lược mới của tội phạm mạng; trong năm 2012, tấn công và phát tán phần mềm gián điệp (spyware) vào các cơ quan, doanh nghiệp là hình thái mới của giới tội phạm mạng mang tính chất quốc gia.
Bên cạnh đó, virus trên điện thoại di động không còn là lý thuyết. Hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện từ đầu năm đến nay tại Việt Nam có tới 34.094 mẫu virus lây lan trên di động, gấp hơn 9 lần so với năm 2011 (3.700 mẫu).
Đáng chú ý, Facebook đang là môi trường màu mỡ của tin tặc. Một trong những chiêu thức phát tán virus khiến người dùng dễ bị mắc bẫy nhất trên Facebook là ngụy tạo plugin của YouTube nhưng có chứa virus. Sau đó, kẻ xấu lừa người dùng tải plugin này về để xem video clip, thực chất là tải virus để phát tán đường link chứa virus tới danh sách bạn bè của nạn nhân. Các video thường là hình ảnh nhạy cảm của các ca sĩ, diễn viên hay cầu thủ nổi tiếng như Rihanna, Emma Watson, Ronaldo… để dễ lừa người sử dụng.
Theo Ictnews.vn