|
Các doanh nghiệp Việt Nam đã trực tiếp trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác với doanh nghiệp điện tử - CNTT Thẩm Quyến. Ảnh: X.B. |
Thông tin này vừa được ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam chia sẻ với phóng viên ICTnews bên lề buổi Giao lưu giữa các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam với doanh nghiệp của SZEIA diễn ra chiều 22/1/2013 ở Hà Nội.
Hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp điện tử - CNTT Việt Nam với doanh nghiệp thuộc SZEIA vẫn phát triển mạnh suốt thời gian qua, tuy nhiên phương thức phổ biến chỉ là doanh nghiệp Việt kinh doanh thương mại các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Trung Quốc.
Một nhu cầu đặt ra là doanh nghiệp Việt có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp mạnh về phần cứng, điện tử, CNTT của Thẩm Quyến. Trong bối cảnh công nghiệp điện tử, phần cứng Việt Nam hiện vẫn “lận đận”, doanh thu chủ yếu nặng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ những “đại gia” Thẩm Quyến sẽ có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hàm lượng “chất xám” nội địa và khả năng cạnh tranh, phát triển.
Bởi vậy, các doanh nghiệp điện tử - CNTT Việt Nam khá phấn chấn trước thông tin VAIP đang thương lượng với SZEIA về việc các doanh nghiệp CNTT-TT Thẩm Quyến sẽ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam, dù rằng cũng còn nhiều ý kiến lo ngại rằng doanh nghiệp Trung Quốc không dễ dàng gì hỗ trợ Việt Nam “thêm vây thêm cánh”.
Trao đổi với phóng viên ICTnews tại buổi giao lưu, một số doanh nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao tiềm năng và vị thế phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng của Thẩm Quyến, đồng thời bày tỏ mong ước sẽ được hưởng những hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước cho ngành công nghiệp điện tử - CNTT giống như ở Thẩm Quyến. Chẳng hạn, doanh nghiệp điện tử - CNTT được ưu đãi thuế tới 20 năm, chính quyền thành phố đầu tư hẳn một trung tâm thương mại và nghiên cứu - phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp…
Theo ông Bùi Hữu Cư, Giám đốc Công ty Hạ Long, buổi giao lưu giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu thêm cơ hội hợp tác sản xuất - kinh doanh với doanh nghiệp Thẩm Quyến, đặc biệt có thể học hỏi phương thức tổ chức đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường nước ngoài của Trung Quốc (doanh nghiệp Trung Quốc thường tìm hiểu xem nhu cầu của thị trường nước ngoài đang cần gì rồi về nước tập trung phát triển sản phẩm để “đánh trúng” thị hiếu; trong khi nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát nước ngoài chỉ để tìm hiểu xem “người ta” có sản phẩm, dịch vụ gì rồi mang về để kinh doanh thương mại ở trong nước).
Theo Ictnews.vn