Thứ sáu, 19/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 23/01/2013
Hợp tác Công - Tư còn quá nhiều vướng mắc

Theo Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT IS Đỗ Cao Bảo, trong bối cảnh luật lệ về hợp tác Công - Tư (PPP) chưa hoàn thiện thì nhiều doanh nghiệp cho rằng không dại gì "chui đầu vào rọ".

Hop tac Cong Tu.jpg
Bộ TT&TT cần sớm có báo cáo nghiên cứu, đánh giá thực trạng và phân tích mức độ sẵn sàng của các dự án PPP trong lĩnh vực CNTT-TT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Doanh nghiệp lo ngại chính sách hay thay đổi 

Ông Đỗ Cao Bảo phân tích: Thông thường, đầu tư Công - Tư phải tối thiểu 20 năm mới đủ lãi, trong khi đó ở Việt Nam trung bình cứ khoảng 5 năm lại thay đổi chính sách, sửa luật thuế hoặc một quy định luật nào đó khiến doanh nghiệp lâm cảnh “khóc dở mếu dở”.

Ví dụ như đầu tư hệ thống ứng dụng quản lý, cấp phát chứng minh thư nhân dân. Nghe qua thì tưởng “ngon ăn”. Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hệ thống và theo cơ chế PPP sẽ được thu phí dịch vụ đối với những người muốn cấp/đổi chứng minh thư. Ước tính cả nước có khoảng 50 triệu người từ 14 tuổi trở lên, nếu áp dụng mức phí cấp chứng minh thư là 5 USD/người thì tổng số tiền thu được sẽ lên tới 250 triệu USD. Trừ đi chi phí đầu tư ban đầu khoảng 160 triệu USD và lãi ngân hàng, doanh nghiệp cũng thu được một khoản kha khá.

Thế nhưng, phải lưu ý tới tình huống phát sinh những thay đổi về cơ chế chính sách liên quan tới việc vận hành hệ thống ứng dụng quản lý, cấp phát chứng minh thư nhân dân. Như vừa mới đây, sau khi các cơ quan quản lý quyết định để họ tên bố mẹ trên chứng minh thư, trong dư luận có ý kiến phản đối với lý do làm thế là vi phạm nhân quyền, bí mật đời tư thì Nhà nước quyết định tạm dừng lại để xem xét việc có nên đưa thêm thông tin về bố mẹ vào chứng minh thư của mỗi người hay không. Giả sử một doanh nghiệp tham gia PPP đã đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý, cấp phát chứng minh thư nhân dân giai đoạn 1, nếu phải tạm dừng lại để đợi 1 - 3 năm thì có thể đến khi có quyết định cuối cùng, hệ thống này cũng “chết rồi”. Khi đó, doanh nghiệp phải chịu thiệt về khoản chi phí đã bỏ ra để đầu tư PPP.

Nhìn rộng ra một lĩnh vực khác cũng đang có doanh nghiệp “khóc” vì trót tiên phong tham gia PPP, đó là lĩnh vực giao thông. Đã có doanh nghiệp đứng ra đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP với dự tính sẽ thu phí các phương tiện đi trên đường này để thu hồi vốn và kiếm lãi. Thế nhưng, sau khi cơ quan quản lý Nhà nước rục rịch triển khai quy định thu phí đường bộ theo đầu phương tiện, các chủ xe kiến nghị, yêu cầu phải bỏ việc thu phí, rốt cuộc cơ quan Nhà nước lại quyết định bãi bỏ việc thu phí. “Số phận của những nhà đầu tư đã bỏ tiền ra giờ rất nguy hiểm. Nếu Nhà nước mua lại thì tốt dù chưa biết sẽ mua với giá nào, còn nếu Nhà nước không mua lại mà vẫn bắt buộc dẹp trạm thu phí thì nhà đầu tư đành chịu chết”, ông Bảo nhấn mạnh.

Chủ tịch FPT IS không phải là người đầu tiên và duy nhất bày tỏ sự e ngại về những bất cập, rủi ro khi triển khai PPP với các cơ quan Nhà nước.

Cách đây ít lâu, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã từng chia sẻ hiện trạng khi tham gia hoạt động hợp tác Công - Tư với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp phải lần mò tìm cách giải nhiều bài toán phức tạp. Chẳng hạn, Viettel cũng đã có ý muốn tham gia PPP để xây dựng hệ thống quản lý hoạt động cập bến và lưu chuyển hàng hóa của tàu thuyền. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác quản lý này thì thấy Bộ Giao thông Vận tải triển khai một dự án ứng dụng CNTT, Tổng cục Hải quan triển khai một dự án khác và các đại lý vận chuyển cũng triển khai ứng dụng. 3 dự án này không thể ghép được với nhau. Nếu không có kiến trúc tổng thể từ đầu để nhìn nhận xuyên suốt cách vận hành và các đối tượng cần tương tác thì sẽ rất khó triển khai những dự án PPP.

Tại Hội nghị về phát triển hạ tầng thông tin mới đây do Bộ TT&TT tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, câu chuyện PPP trong lĩnh vực CNTT-TT lại tiếp tục được các doanh nghiệp “xới xáo”. Ông Hồ Chí Dũng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Tập đoàn Viettel thêm một lần lưu ý rằng hiện vẫn còn thiếu quy định hướng dẫn cụ thể về phương thức PPP trong lĩnh vực CNTT-TT, do đó phương thức này mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng vẫn chưa thể áp dụng triển khai rộng.

Bao giờ Bộ TT&TT giúp doanh nghiệp yên tâm?

PPP được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp các cơ quan Nhà nước huy động vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp cho việc phát triển và triển khai ứng dụng CNTT-TT tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu công vẫn đang được tiếp tục siết chặt.

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách, quy định cụ thể về phương thức PPP trong lĩnh vực CNTT-TT vẫn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Tháng 11/2010, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 71 về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh hợp tác PPP ở Việt Nam, nhưng trong số các ngành, lĩnh vực được phép áp dụng thí điểm PPP chưa có CNTT-TT. Giới CNTT-TT đành tự an ủi với vị trí “lĩnh vực khác” trong danh mục các lĩnh vực, ngành thí điểm PPP.

Theo tìm hiểu của phóng viên Bưu điện Việt Nam, đến nay mới có một dự án liên quan tới CNTT-TT được thí điểm triển khai theo phương thức PPP và bước đầu có kết quả tốt là dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ (hệ thống đấu thầu điện tử). Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng CNTT-TT, việc triển khai PPP đang bao gồm quá nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia.

Để các doanh nghiệp yên tâm tham gia PPP, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần sớm có một hệ thống văn bản chính sách đầy đủ về việc triển khai PPP nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về Bộ TT&TT, Bộ quản lý chuyên ngành TT-TT tại Việt Nam.

Ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ngay trong năm 2013, Bộ TT&TT sớm xây dựng Báo cáo nghiên cứu, đánh giá thực trạng và phân tích mức độ sẵn sàng của các dự án PPP trong lĩnh vực CNTT-TT, tạo lập nhóm nghiên cứu hoặc thực thể tham mưu, hỗ trợ chuẩn bị và triển khai các dự án PPP thuộc lĩnh vực CNTT-TT do Bộ phụ trách; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn về cơ chế hợp tác PPP, định mức thuê khoán dịch vụ trong lĩnh vực CNTT-TT.

Theo Ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0