“Các dự án quy mô quốc gia theo QĐ 1605/QĐ-TTg triển khai chậm tiến độ, chủ yếu do không có vốn (dưới 10% nhu cầu)”.
Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc cho biết đây là một trong những khó khăn hiện nay trong việc ứng dụng CNTT tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Bộ TT&TT vừa tổ chức.
Theo số liệu của Cục Ứng dụng CNTT có 56 dự án có tiến độ như sau: 4 dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang được thực hiện đầu tư, 9 dự án được phê duyệt nhưng chưa được thực hiện đầu tư, 26 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, 6 dự án được đề xuất chuyển sang hình thức thuê dịch vụ.
Kiến nghị về nguồn kinh phí, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc đề nghị ưu tiên tập trung ngân sách nhà nước triển khai giai đoạn 1 ba dự án quan trọng nhất tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT): Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư do Bộ Công an triển khai, CSDL quốc gia về tài nguyên và môi trường (TN&MT) do Bộ TN&MT triển khai và Hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan nhà nước do Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai.
Về dự án CSDL quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự An toàn xã hội, Bộ Công An kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt và cấp kinh phí để tổ chức thực hiện dự án quốc gia này, vì đây là dự án nền tảng trong xây dựng CPĐT.
“Mặc dù nguồn vốn cho Dự án là khá lớn nhưng việc ưu tiên đầu tư cho Dự án sẽ có hiệu quả về nhiều mặt, giảm nhiều chi phí xã hội, giảm kinh phí cho việc xây dựng các CSDL chuyên ngành, giảm lãng phí do một số bộ ngành và chính quyền địa phương tự xây dựng CSDL về dân cư không theo quy chuẩn quốc gia”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết.
Dự án CSDL quốc gia về dân cư được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2014, giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2016, và giai đoạn 3 năm 2017; trong đó cuối giai đoạn 2 dự kiến sẽ cung cấp điểm kết nối, giao tiếp với hệ thống thông tin với ngành Tư pháp, Bảo hiểm y tế và Thuế; giai đoạn 3 sẽ tiếp tục cung cấp điểm giao tiếp với các ngành khác theo yêu cầu và tổ chức triển khai cung cấp các dịch vụ công về dân cư trên hệ thống, đặc biệt là dịch vụ xác thực nhân thân cho các ngành tài chính, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ cơ bản khác.
Về dự án CSDL quốc gia về TN&MT, ông Nguyễn Hữu Chính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ TN&MT cho biết tổng vốn đầu tư của chương trình CNTT cho Bộ TN&MT chưa đáp ứng đủ theo tinh thần Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tiến độ giao vốn chưa đáp ứng được tiến độ triển khai kế hoạch dự án đã được phê duyệt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ bị kéo dài, dự án chậm đưa vào sử dụng, dẫn đến hiệu quả đầu tư còn chưa đạt được như theo yêu cầu.
Cho tới nay, tổng kinh phí được giao so với kinh phí phê duyệt theo kế hoạch đạt 21% tổng mức đầu tư 370.469.239.000 đồng cho thời gian thực hiện đầu tư 2010 - 2014.
Cụ thể tình hình bố trí kinh phí được thực hiện cho tới nay được Cục trưởng Nguyễn Hữu Chính cho biết: Năm 2009 là 430 triệu đồng và năm 2010 là 7 tỷ đồng thuộc vốn ngành TN&MT; Năm 2011 là 40 tỷ đồng (vốn chương trình CNTT được cấp: 30 tỷ; vốn ngành bổ sung là 10 tỷ); Năm 2012 là 32 tỷ đồng (vốn chương trình CNTT: 17 tỷ; vốn ngành bổ sung là 15 tỷ).
Ông Chính kiến nghị tăng cường kinh phí ứng dụng CNTT cho Bộ TN&MT để triển khai các Dự án quy mô quốc gia theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg (Dự án "CSDL quốc gia về TN&MT”, “Mạng thông tin kinh tế hóa ngành TN&MT”, “Xây dựng các dịch vụ công ngành TN&MT) để đảm bảo thực hiện kế hoạch được duyệt.
Dự án xây dựng CSDL quốc gia về TN&MT có mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia về TN&MT ở hai cấp: Trung ương (Bộ TN&MT) và địa phương (Sở TN&MT) nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu TN&MT, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế, các nhu cầu khác của xã hội và phát triển CPĐT tại ngành TN&MT.
Kiến nghị về phần kinh phí cho các dự án CNTT quốc gia, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT Nguyễn Thành Phúc cho biết nhà nước ưu tiên vốn cho các dự án đang thực hiện đầu tư và xem xét, bố trí vốn từ năm 2013 đến năm 2015 tối thiểu 1000 tỷ đồng để triển khai 3 dự án ưu tiên nói trên và cho phép một số dự án nêu tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg được thực hiện theo hình thức khác nhằm huy động nguồn lực triển khai, cụ thể:
Các dự án triển khai theo hình thức hợp tác nhà nước - doanh nghiệp hoặc thuê dịch vụ, bao gồm các dự án: Hệ thống quản lý, theo dõi chương trình công tác của Chính phủ (Văn phòng Chính phủ - VPCP), Mạng thông tin điện tử phục vụ trao đổi thông tin giữa VPCP, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Mở rộng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên Internet (VPCP); Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ (Bộ TT&TT ), Hệ thống thư điện tử quốc gia (Bộ TT&TT).
Các dự án triển khai theo hình thức đối tác công - tư (theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư), bao gồm: Dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.
Theo Mic.gov.vn