Thứ hai, 25/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/01/2013
Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) – Một năm nhìn lại

 

Ngày 19/1/2013, tại Hà Nội CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 1 năm thành lập, tham dự cùng VFOSSA có ông Bùi Mạnh Hải - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, ông Phùng Văn Ổn - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cùng ban lãnh đạo, các hội viên và bè bạn VFOSSA. Nhân kỷ niệm 1 năm thành lập VFOSSA, Hội Tin học Việt Nam cũng trao Bằng khen cho ông Lê Trung Nghĩa và 4 tập thể gồm: Công ty Cổ phần NetNam - NetNam Corporation ; Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin - iWay ; Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam -  VINADES.,JSC ; Công ty Cổ phần Tin học Lạc Tiên – LacTien JSC thuộc Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động của Câu lạc bộ và cộng đồng PMTDNM Việt Nam năm 2012.

Ngày 14 tháng giêng 2012 đã trở thành một mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển của Cộng đồng Phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) Việt Nam : Câu lạc bộ PMTDNM Việt Nam (Vietnam Free and Open Source Software Association – VFOSSA), tổ chức đại diện chính thức và hợp pháp cho Cộng đồng PMTDNM Việt Nam bên cạnh Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Nhân dịp sinh nhật « tuổi tôi » của VFOSSA, chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành quả mà VFOSSA đã đạt được, cũng như vị thế, vai trò của nó trong Cộng  đồng PMTDNM Việt Nam sau một năm hoạt động.

Bối cảnh ra đời

Cộng đồng PMTDNM Việt Nam đã nhen nhóm hình thành một cách tự phát từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước với sự du nhập các phát tán GNU/Linux phiên bản 1.x do các thực tập sinh Việt Nam và Việt kiều ở nước ngoài mang về và phổ biến trong cộng đồng công nghệ thông tin tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những nhóm nghiên cứu và ứng dụng Linux đầu tiên đã ra đời như Vietkey Linux, CMC Linux ở Hà Nội và Vnlinux ở Thành phố HCM.

Sau những bước đi chập chững trong những năm đầu tiên, từ cuối 2004, cộng đồng đã dần có tổ chức hơn với sự ra đời của các LUG (Linux User Group) và các nhóm cộng đồng của một số PMTDNM riêng biệt. Đặc biệt phải kể đến những đóng góp tích cực cho cộng đồng của các nhóm như HanoiLUG (http://blog.hanoilug.org), ubuntu-vn (http://www.ubuntu-vn.org) hay NukeViet (http://nukeviet.vn), … đã tạo tiền đề và thúc đấy sự ra đời của VFOSSA sau này.

Trước sức ép ngày càng gia tăng về tôn trọng sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm từ phía các hãng phần mềm thương mại và cộng đồng quốc tế, chính phủ Việt Nam đã ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích việc ứng dụng các PMTDNM thay thế một phần cho các PM thương mại. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn góp phần trì hoãn việc đưa các chính sách này vào áp dụng thực tế là thiếu sự hỗ trợ tin cậy cho người sử dụng cuối từ cộng đồng. Tất cả các nhóm cộng đồng đều là các tổ chức xã hội thiện nguyện, không đăng ký chính thức, không có tư cách pháp nhân nên việc tổ chức hỗ trợ hiệu quả và tin cậy là việc rất khó khăn.

Đứng trước nhu cầu ngày càng cao cần có một tổ chức chính thức đại diện cho cộng đồng PMTDNM Việt Nam, có thể đối thoại với chính phủ để bày tỏ nguyện vọng của cộng đồng và góp phần xây dựng và đưa vào thực tiễn các chính sách của Nhà nước về PMTDNM ; để hình thành mạng lưới hỗ trợ và phát triển PMTDNM cho các cơ quan trong và ngoài Nhà nước và cho cộng đồng người sử dụng nói chung, từ năm 2009, một nhóm thành viên tích cực của HanoiLUG và  một số nhóm cộng đồng khác đã đặt vấn đề cần sớm hình thành một tổ chức chính thức đại diện hợp pháp cho cộng đồng PMTDNM Việt Nam.

Sau gần 2 năm thảo luận tìm kiếm mô hình hoạt động, được sự ủng hộ tích cực của Hội Tin học Việt Nam (VAIP), mô hình xây dựng một Câu lạc bộ PMTDNM Việt Nam (VFOSSA) như một chi hội trung ương trực thuộc Hội Tin học Việt Nam đã được đa số ủng hộ. Một ban trù bị thành lập CLB đã ra đời với sự tham gia của hơn ba chục thành viên. Tại Đại hội nhiệm kỳ VII của Hội Tin học Việt Nam tháng 11 năm 2011, VFOSSA đã được chính thức kết nạp vào Hội Tin học Việt Nam.

Thực hiện nghị quyết của Đại hội VII và theo Điều lệ của VAIP, sau một tháng rưỡi chuẩn bị, ngày 14 tháng giêng 2012, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất (Đại hội thành lập) của VFOSSA đã họp tại Hội trường Marcel Dassault của Viện Tin học Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những cái nôi của cộng đồng PMTDNM Việt Nam, với sự tham gia của hơn sáu mươi đại biểu đến từ các địa phương, nhóm cộng đồng, đại học và doanh nghiệp tiêu biểu của phong trào PMTDNM trong cả nước. Đại hội đã thông qua Điều lệ của VFOSSA trong đó nhấn mạnh VFOSSA là tổ chức chính thức, có tư cách pháp nhân và phi lợi nhuận, đại diện cho cộng đồng PMTDNM Việt Nam bên cạnh VAIP. Đại hội cũng đã thông qua chương trình hành động và bầu ra BCH VFOSSA khóa I (2012-2014) gồm 19 thành viên. Ông Nguyễn Hồng Quang, trưởng ban trù bị thành lập VFOSSA, đã được bầu làm Chủ tịch VFOSSA khóa I.

Một năm nhìn lại

Những thành tích đã đạt được

Một năm là một quãng thời gian ngắn ngủi với một tổ chức còn non trẻ như VFOSSA. Tuy nhiên, với sự khích lệ của các cơ quan hữu quan, sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng, đặc biệt của các thành viên của mình, năm 2012 vừa qua, VFOSSA đã đạt được một số thành tựu đáng kể như sau :

1.       Tuyên truyền, phổ biến PMTDNM trong cộng đồng : có lẽ đây là hoạt động sôi động và gây được nhiều tiếng vang nhất của VFOSSA trong năm qua. Nhóm Phát triển cộng đồng của VFOSSA do Phó Chủ tịch Trương Anh Tuấn lãnh đạo đã chủ động tiếp xúc với cộng đồng sinh viên và giảng viên CNTT trong nhiều trường Đại học trong cả nước và tổ chức hoặc tham luận tại nhiều cuộc hội thảo, xê-mi-na với các bài nói chuyện giới thiệu về VFOSSA, về PMTDNM, các vấn đề an ninh mạng và lợi ích của PMTDNM, v.v... Các diễn giả của VFOSSA đã đến trình bày tại các trường như ĐHBK Hà Nội, ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội, Học viện BCVT Hà Nội, ĐH Thăng Long (Hà Nội), ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Hàng hải Hải Phòng, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Hoa Sen (Tp HCM), ĐH Cần Thơ. Riêng diễn giả Lê Trung Nghĩa, chuyên gia của VFOSSA về PMTDNM và an ninh mạng đã có hàng chục bài diễn thuyết về an ninh mạng và nguy cơ chiến tranh mạng tại rất nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Cổng thông tin của VFOSSA (http://vfossa.vn), tuy còn khá đơn sơ nhưng đã đạt gần hai triệu lượt truy cập, tháng cao điểm đạt tới hơn nửa triệu lượt khách viếng thăm.

2.       Tư vấn chính sách về PMTDNM cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) : ngay sau khi chính thức ra mắt, VFOSSA đã trở thành đối tác tham vấn chính thức của Vụ CNTT, Bộ TTTT trong các vấn đề chính sách liên quan đến PMTDNM. VFOSSA đã cùng Vụ CNTT đồng tổ chức Hội thảo quốc gia PMNM trong các cơ quan Nhà nước tháng 5/2012. VFOSSA cũng tích cực tham gia tư vấn cho các dự án của Bộ TTTT soạn thảo qui trình phát triển và định mức dịch vụ PMNM, tham gia tư vấn cho Vụ CNTT trong dự án xây dựng chính phủ điện tử.

3.       Tổ chức sự kiện, xây dựng, phát triển cộng đồng PMTDNM : ngày Hội quốc tế tự do phần mềm (Software Freedom Day – SFD) năm 2012 đã được tổ chức hoành tráng, thành công tại trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội với sự tham dự của hơn 300 người, chủ yếu là sinh viên các Đại học tại Hà Nội và Thái Nguyên. Nhân dịp ngày SFD 2012, VFOSSA đã tổ chức lễ kết nạp thêm 8 thành viên tập thể mới, đó là Công ty Viễn thông Viettel của Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, Công ty CP phát triển giải pháp công nghệ THT (THT-Solutions), Công ty CP truyền thông HANEL (Hanelcom), Công ty Cổ phần Hệ thống Mạng thông tin Tích hợp Tối ưu ( i3 Network Systems), Trường Đào tạo Lập trình viên Quốc tế AITI-APTECH, CLB PMTDNM – Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội (FOSS@HUS) và CLB PMTDNM - Viện CNTT&TT, Trường ĐHBK Hà Nội. Nhân dịp sinh nhật 1 năm của VFOSSA, Viện Tin học Pháp ngữ (IFI) cũng đã quyết định xin gia nhập. Như vậy, sau một năm, từ 7 thành viên doanh nghiệp sáng lập (NetNam, iWay, VietSoftware, EcoIT, Vinades, Lạc Tiên và iNetSolutions), số lượng thành viên tập thể của VFOSSA đã lên đến con số 16. VFOSSA cũng hỗ trợ tích cực cho việc thành lập các cộng đồng PMNM mới như VietOpenStack, VietOpenRay, MekongLUG, …

4.       Tổ chức thành công cuộc thi Mùa hè sáng tạo – Sinh viên viết PMTDNM 2012 : đây là cuộc thi thường niên do Hội Tin học Việt Nam tổ chức từ năm 2009 đến nay. Từ năm 2012, VAIP đã quyết định giao cho VFOSSA điều hành toàn bộ cuộc thi này. Thực chất trong 3 lần thi trước, các thành viên chủ chốt của BTC và HĐGK của cuộc thi đã là những thành viên của VFOSSA hiện nay. 24 hồ sơ dự án dự thi của các nhóm và cá nhân sinh viên của hơn 10 trường Đại học đã được nhận, 12 hồ sơ tốt nhất đã được lựa chọn để thực hiện các dự án phát triển, hoàn thiện PMTDNM dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và phong cách thực hiện dự án nguồn mở của các chuyên viên đến từ các công ty thành viên của VFOSSA và cộng đồng. Các dự án được nhận tài trợ từ Ban tổ chức và thực hiện dự án trong 3 tháng hè. 5 dự án đạt kết quả tốt nhất đã được vào dự Chung khảo và trao giải thưởng trong Lễ trao giải của cuộc thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc 2012 tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Chúng ta đã thành công trong việc xã hội hóa cuộc thi, vận động được sự đóng góp, tài trợ của không chỉ các doanh nghiệp thành viên của VFOSSA mà cả các tổ chức ngoài VFOSSA.

5.       Khởi động du nhập một số nền tảng PMTDNM đang là chủ đề nóng bỏng trên thế giới về Việt Nam: Bên cạnh các cộng đồng PMTDNM đang hoạt động khá ổn định trong những năm qua,như NukeViet (với Vinades là trụ cột), Fedora (với Iway là trụ cột), Ubuntu-vn, ... một số PMTDNM khác đã được các doanh nghiệp và nhóm người dùng quan tâm và tìm cách cổ vũ ở Việt Nam. Trong năm qua, VFOSSA đã hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp và nhóm cộng đồng để khởi động việc du nhập và thiết lập cộng đồng cho một số PMTDNM như Openstack (với các doanh nghiệp quan tâm chính như DTT, NetNam, Viami, ...) và Openray (với sự kết hợp của nhà nước - Bộ KHCN, giới đại học -Đại học Hoa Sen, và doanh nghiệp: Lạc Tiên, NetNam ...). Đây mới chỉ là bước khởi đầu, tuy nhiên sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp có thể là dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm và đầu tư của họ đối với các nền tảng nguồn mở mới, tạo tiền đề cho sự mở rộng và lan truyền trong các năm tiếp theo.

6.       Thiết lập quan hệ quốc tế với các tổ chức, hiệp hội PMTDNM trong khu vực và quốc tế : VFOSSA đã bắt liên lạc và thiết lập quan hệ đối tác với Trung tâm NECTEC của Thái Lan và được Vụ CNTT, Bộ TTTT ủy quyền tham dự cuộc họp khởi động cổng thông tin PMNM Asean (AOSS Portal) tại Bangkok. Thông qua đường dây của Vụ Công nghệ cao, Bộ KHCN, VFOSSA cũng thiết lập được quan hệ đối tác với Quỹ công nghệ mở (Open Technology Foundation - OTF) của Ôxtrâylia.

Những khuyết, nhược điểm còn tồn tại

Bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được ở trên, một năm qua cũng đã chỉ ra nhiều khuyết, nhược điểm của VFOSSA cần được khẩn trương sửa chữa khắc phục trong năm 2013 và những năm tới. Có thể chỉ ra một số vấn đề như sau :

1.       Về công tác tổ chức và hoạt động của BCH : các UV BCH hoạt động chưa đều tay. Bên cạnh Thường vụ và một số UV BCH hoạt động khá năng nổ và thường xuyên quá tải, còn một số UV BCH cả năm hầu như không tham gia một hoạt động nào. BCH đã khá nhanh chóng lập ra sơ đồ tổ chức gồm 7 ban chuyên môn song cho đến nay mới chỉ có các ban Phát triển cộng đồng, Quảng bá và phổ biến, Hợp tác quốc tế và Chính sách-Pháp lý là có một số hoạt động tích cực. Các ban còn lại có ít hoặc hầu như chưa hoạt động, trưởng ban chưa có chương trình hành động cụ thể và phương án tổ chức. BCH cũng không thể họp được đủ mỗi quí 1 lần như qui định trong Điều lệ (mới họp được 2 lần, trong đó có lần đầu ngay sau Đại hội và 1 lần vào quí 2). Kỳ họp BCH ngay sau lễ kỷ niệm cần tập trung chấn chỉnh tổ chức và phân công lại trách nhiệm trong BCH.

2.       Công tác phát triển thành viên : chậm trễ, không theo kịp kỳ vọng của cộng đồng. Mới tập trung phát triển được thành viên tập thể, mảng thành viên cá nhân còn quá chậm trễ. Có nguyên nhân khách quan do Điều lệ được VAIP thông qua tương đối trễ (đến tận đầu tháng 9/2012). Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính do sự điều hành phân công tổ chức của người đứng đầu là Chủ tịch còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Giúp việc cho Chủ tịch là TTK năm qua do quá tải công việc Công ty đã không hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Chưa lập được nhóm thư ký và quan hệ công chúng hoạt động kiêm nhiệm hiệu quả nên công việc hay bị dồn ứ. Hiện tại qui chế Hội viên về cơ bản đã hoàn thành, qui trình trực tuyến cũng đã lập xong, nhưng cần đưa vào vận hành để rút kinh nghiệm hoàn thiện hơn và đúng qui định đã ghi trong Điều lệ. Cần phân biệt rõ quyền lợi và trách nhiệm để các thành viên hiểu và tích cực tham gia vào các hoạt động của CLB với phương châm « ích nước, lợi nhà », « các bên tham gia cùng có lợi ».

3.       Cổng thông tin vfossa.vn chưa hấp dẫn và nhiều thông tin : thực ra hiện tại vfossa.vn mới chỉ là một website, chưa phải là một cổng thông tin đúng nghĩa. Chủ trương lập cổng thông tin sử dụng NukeViet đã có ngay từ đầu, đã thành lập ban biên tập, song ban vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động, chưa có thiết kế, có qui tắc, chính sách quảng cáo đi kèm. Website vfossa.vn đã có đóng góp tích cực cho hoạt động của VFOSSA trong suốt hơn 1 năm qua, song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các thành viên và của cộng đồng. Chưa có mối liên kết hai chiều giữa vfossa.vn với website/cổng thông tin của các thành viên tập thể. Năm 2013 phải dứt điểm thiết kế cổng thông tin vfossa.vn và đưa vào hoạt động. Phải phấn đấu để trong tương lai gần (1-2 năm), mọi thông tin liên quan đến VFOSSA và cộng đồng PMTDNM Việt Nam đêu có thể tìm được bắt đầu từ cổng vfossa.vn.

4.       Cuộc thi MHST tuy có được một số thành công, nhưng chưa thực sự có được một mô hình phát triển bền vững, chưa được tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong các trường Đại học và lôi cuốn được các sinh viên giỏi tham gia. Việc động viên mentor, giám khảo hoàn toàn dựa vào lòng nhiệt tình, tâm huyết của các chuyên gia, giảng viên và uy tín cá nhân của Chủ tịch HĐGK, chưa có gì động viên, hấp dẫn được người tham gia đóng góp. Năm vừa qua công tác tổ chức cũng khá vội vã, cập rập, cần được rút kinh nghiệm. Hiện nay MHST đã nhận được một số gợi ý, đóng góp rất đáng chú ý của một số thành viên và cộng đồng. MHST 2013 cần được sớm triển khai từ ngay sau Tết âm lịch.

5.       Các DN thành viên của VFOSSA còn chưa hình thành được một liên minh DN PMNM với sự hỗ trợ của cộng đồng để tạo đột phá trong việc tác động đến chính sách của Nhà nước và thực hiện các chương trình, dự án tầm cỡ lớn. Đây là một thách thức không dễ vượt qua, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và cởi mở từ phía tất cả các thành viên. Các DN thành viên VFOSSA thực sự có tiềm năng, nhưng phần lớn đang đều ở qui mô nhỏ hay cực nhỏ. Chỉ có liên kết lại với nhau thì mới có thể làm nên sức mạnh.

Chương trình hành động 2013

Tiếp tục các thành quả đã đạt được của năm 2012 và rút kinh nghiệm các khuyết nhược điểm còn tồn tại, chương trình hành động của VFOSSA năm 2013 sẽ gồm các hoạt động chính sau đây :

1.       Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhận thức về PMTDNM trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng khu vực giáo dục và các Đại học. Duy trì, đẩy mạnh các mối quan hệ đã có và phát triển các đầu mối liên lạc mới. Hỗ trợ, ủng hộ việc thành lập các nhóm SV yêu thích hoặc CLB PMTDNM tại các trường Đại học. Chủ động tiếp xúc với các khoa CNTT thông qua các đầu mối SV hoặc giảng viên, tham gia trình bày xê-mi-na về PMTDNM, an ninh không gian mạng và vai trò của PMTDNM, v.v...

2.       Tổ chức các ngày Hội về PMTDNM ở các địa phương trong cả nước. Phát huy thành công và rút kinh nghiệm của ngày SFD năm 2012, ngày SFD 2013 cần được chuẩn bị sớm hơn, vận động được đông hơn SV và doanh nghiệp tham gia. Phát triển thêm 1-2 điểm tổ chức ngày SFD tại Đà nẵng và/hoặc tại Tp Hồ Chí Minh. Thành lập Ban tổ chức sự kiện chuyên trách. Liên kết và dựa vào lực lượng SV của các trường Đại học. Có thể kết hợp lồng ghép với các hoạt động xã hội, văn hóa khác.

3.       Hỗ trợ các nhóm cộng đồng : ủng hộ và hỗ trợ việc duy trì các nhóm cộng đồng PMTDNM đã có và sắp ra đời với hạt nhân là một doanh nghiệp thành viên như các mô hình KGCĐ-iWay, VietOpenStack-DTT, Openray-Lạc Tiên/NetNam.

4.       Tổ chức và đổi mới mô hình cuộc thi MHST. Ban Tổ chức và cố vấn MHST 2013 cần được thành lập và đi vào hoạt động ngay sau Tết Âm lịch. Phối hợp với các DN thành viên, các nhóm cộng đồng để nhanh chóng công bố ý tưởng ngay từ tháng tư 2013. Phối hợp với Ban tổ chức sự kiện và hạt nhân của VFOSSA/VAIP tại các trường Đại học để phổ biến quảng cáo về sự kiện và lôi cuốn SV tham gia. Phối hợp với VAIP, Bộ KHCN và các đối tác truyền thống để vận động, tìm nguồn tài trợ cho cuộc thi. Tiếp tục hỗ trợ VAIP thực hiện nội dung thi PMNM trong chương trình Olympic Tin học Sinh viên toàn quốc.

5.       Tổ chức lại cổng thông tin vfossa.vn, khắc phục các yếu điểm của website hiện thời như đã nêu ở phần yếu điểm. Phấn đấu để vfossa.vn trở thành điểm qui chiếu về PMTDNM của Việt Nam và thể hiện bộ mặt và sức sống của VFOSSA. Phấn đấu tạo nguồn thu thông qua tài trợ đổi quảng cáo để tiến tới tự cân đối chi phí hoạt động của cổng.

6.       Tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với các Bộ TT&TT, KH&CN, GD&ĐT. Tham gia tích cực vào các hoạt động tư vấn, đóng góp ý kiến cho các Bộ về chính sách liên quan đến PMTDNM. Tham gia các Hội thảo quốc gia và đóng góp tham luận về PMTDNM. Phối hợp tổ chức hoặc chủ động đề xuất tổ chức một Hội thảo quốc gia chuyên đề về PMTDNM. Tiếp tục thay mặt cho Bộ TTTT và Bộ KHCN tiếp xúc và duy trì quan hệ trao đổi với các tổ chức PMTDNM trong khu vực và quốc tế.

7.       Phát triển hội viên : hoàn thiện qui trình kết nạp, giải quyết các trường hợp tồn đọng. Đảm bảo tính trong suốt về quyền lơi, nghĩa vụ của Hội viên theo các qui định ghi trong Điều lệ và qui chế Hội viên. Tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các thành viên doanh nghiệp của VFOSSA, phát triển hội viên mới, tiến tới thành lập liên minh các DN PMNM của VFOSSA.

8.       Kiện toàn tổ chức BCH, chuẩn bị Đại hội II : rà soát lại sơ đồ tổ chức, phân công lại trách nhiệm các thành viên BCH cho phù hợp với tình hình thực tiễn và hoàn cảnh công tác của các UV BCH. Xóa bỏ các Ban chuyên môn chưa phù hợp hoặc chưa cần thiết hoặc không có hoạt động, tập trung nhân lực cho các Ban đang có nhiều hoạt động. Phối hợp với VAIP để đề xuất phương án để có thể đăng ký pháp nhân, con dấu và tài khoản cho VFOSSA theo Điều lệ. Chuẩn bị nhân sự và chương trình cho Đại hội II vào quí I năm 2014.

Vững bước tương lai

Một năm là một quãng thời gian ngắn ngủi với một tổ chức. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực, nhiệt tình và tinh thần nguồn mở, năm qua CLB VFOSSA đã kịp gặt hái được một số thành quả bước đầu rất đáng khích lệ. Những kết quả này đã bước đầu khẳng định chỗ đứng của VFOSSA và cộng đồng PMTDNM Việt Nam trong cộng đồng CNTT cả nước và tạo niềm tin cho các thành viên CLB vững bước tiến lên.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tích đã đạt được, BCH VFOSSA cũng nhận thức được thách thức to lớn cho CLB và cộng đồng còn đang ở phía trước. PMTDNM vẫn chưa có được một sân chơi bình đẳng, chưa có vị trí xứng đáng với tiềm năng và sức mạnh của nó ở Việt Nam. Công tác tổ chức, điều hành các hoạt động của VFOSSA cũng còn nhiều mặt hạn chế, cần rút kinh nghiệm và sửa chữa kịp thời. Các doanh nghiệp thành viên của VFOSSA phần lớn là thuộc loại nhỏ hoặc siêu nhỏ, kinh nghiệm thương trường còn nhiều hạn chế, chưa đủ năng lực dẫn dắt cộng đồng và tạo niềm tin cho Nhà nước và các khách hàng lớn, v.v...

Nhân dịp sinh nhật lần đầu của VFOSSA, BCH của CLB xin thẳng thắn kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những mặt còn tồn tại yếu kém của mình trong năm vừa qua và tiếp nhận sự tham gia góp ý từ cộng đồng và doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là dịp để các doanh nghiệp và cộng đồng gặp gỡ, trao đổi và hình thành quan hệ hợp tác để tạo ra một liên minh doanh nghiệp PMTDNM, có thể tham gia các dự án lớn về CNTT và góp phần tích cực đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, như kỳ vọng và quyết tâm của Đảng và Chính phủ.

 

Nguyễn Hồng Quang

Chủ tịch VFOSSA

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0