|
Phương thức hợp tác Công – Tư sẽ giúp ngân sách Nhà nước giảm bớt “gánh nặng” đầu tư phát triển hạ tầng thông tin. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Sáng nay, 15/1/2013, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị “Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phát triển hạ tầng thông tin” (còn gọi là Nghị quyết số 13).
Khó triển khai vì thiếu vốn
Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, hạ tầng thông tin là một trong số 10 lĩnh vực hạ tầng quan trọng của quốc gia. Việc đầu tư phát triển hạ tầng thông tin được xem là phương thức quan trọng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng thông tin theo phương thức đầu tư công truyền thống (Nhà nước chi tiền ngân sách đầu tư toàn bộ) đang vấp phải thách thức khá lớn về nguồn vốn.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT minh chứng: “Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 có 56 dự án quy mô quốc gia liên quan tới hạ tầng thông tin, nhưng tiến độ triển khai đang chậm do nguồn vốn ngân sách cấp chỉ đáp ứng dưới 10% nhu cầu. Tính đến nay mới có 4 dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang được thực hiện đầu tư, còn 9 dự án được phê duyệt nhưng chưa được thực hiện đầu tư, 26 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, và 6 dự án được đề xuất chuyển sang hình thức thuê dịch vụ”.
Ở góc độ cơ quan quản lý có tiếng nói “nặng ký” trong việc duyệt chi cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng TT&TT, ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phân tích: “Thực tế thời gian qua cho thấy một số chương trình, đề án lớn thuộc ngành TT&TT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều gặp trở ngại chung là thiếu kinh phí thực hiện. Nguyên nhân khách quan là sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu và sự hạn chế về nguồn lực tài chính trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA có xu hướng giảm, ngân sách khó cân đối, đã và sẽ còn ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu cho các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Về mặt chủ quan, nguyên nhân cơ bản là do phần đề xuất về nguồn vốn đầu tư của các chương trình, đề án này thường chỉ khái toán quy mô vốn chung của cả chương trình mà chưa xác định rõ nguồn huy động; chưa gắn liền với các nhiệm vụ cụ thể nên việc huy động nguồn vốn, cân đối, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm không đủ căn cứ, thủ tục cần thiết”.
“Khơi thông” bằng hợp tác Công-Tư
Rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đồng quan điểm cho rằng Hợp tác Công – Tư (PPP) là “lối ra” hiệu quả nhất cho câu chuyện thiếu vốn đầu tư phát triển hạ tầng thông tin hiện nay.
Ông Hồ Chí Dũng, Trưởng phòng kỹ thuật, Tập đoàn Viettel nêu thực tiễn của Singapore: Phương thức đầu tư PPP đã được áp dụng nhiều trong triển khai dịch vụ công tại quốc gia này, và so với phương thức đầu tư công truyền thống thì đã giảm được 15% chi phí đầu tư ban đầu, giảm 15% thời gian triển khai, giảm 30% chi phí thiết kế, 15% chi phí xây dựng và vận hành…
Tại Việt Nam, Viettel cũng đang đi tiên phong trong việc tạo tiền lệ PPP trong đầu tư hạ tầng thông tin thông qua hình thức cho thuê dịch vụ CNTT – viễn thông (một mô hình cải tiến của PPP). Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư về hạ tầng, phần mềm như là một dịch vụ, rồi cung cấp dịch vụ hạ tầng thiết bị, đường truyền, ứng dụng và cơ sở dữ liệu dưới dạng cho thuê dịch vụ (doanh nghiệp sẽ định giá dịch vụ và thu phí dịch vụ đối với các đơn vị, cơ quan sử dụng), hỗ trợ cơ quan Nhà nước làm chủ và vận hành hệ thống.
“Viettel đã áp dụng thành công phương pháp này đối với dự án ứng dụng CNTT – viễn thông của Văn phòng Chính phủ và dự án Chính phủ điện tử của tỉnh Hà Giang. Cụ thể, trong dự án của Văn phòng Chính phủ, Viettel đã hoàn thành xây dựng và triển khai giải pháp 1 mạng hợp nhất, kết nối trung tâm dữ liệu với 178 điểm; triển khai đồng bộ giải pháp email, hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Còn tại Hà Giang, đã và đang triển khai hạ tầng mạng WAN của tỉnh kết nối 73 điểm, triển khai đồng bộ Cổng thông tin điện tử VPortal, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành”, ông Dũng cho biết thêm.
Chờ hoàn thiện hành lang pháp lý
Đánh giá cao hiệu quả của PPP cũng như phương thức thuê dịch vụ, song ông Dũng cũng lưu ý rằng hiện tại chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc cho thuê dịch vụ CNTT cũng như còn thiếu quy định hướng dẫn cụ thể về phương thức PPP trong lĩnh vực CNTT-viễn thông, do đó các phương thức này mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng vẫn chưa thể áp dụng triển khai rộng.
Để đẩy mạnh phương thức PPP trong phát triển hạ tầng thông tin, ông Trần Tường Lân đề xuất ngay trong năm 2013, Bộ TT&TT sớm xây dựng Đề án Huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng thông tin đến năm 2020, Báo cáo nghiên cứu, đánh giá thực trạng và phân tích mức độ sẵn sàng của các dự án PPP trong lĩnh vực CNTT-TT, tạo lập nhóm nghiên cứu hoặc thực thể tham mưu, hỗ trợ chuẩn bị và triển khai các dự án PPP thuộc lĩnh vực CNTT-TT do Bộ phụ trách; phối hợp chặt chẽ với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn về cơ chế hợp tác PPP, định mức thuê khoán dịch vụ trong lĩnh vực CNTT-TT.
PPP được hiểu là phương thức đầu tư mà Nhà nước và nhà đầu tư (doanh nghiệp) cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án. Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trong phần tham gia của Nhà nước cho các dự án PPP trong giai đoạn 2013 – 2015 là 20 nghìn tỷ đồng.
Bộ TT&TT đang đề xuất Chính phủ cho phép một số dự án thuộc Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 được thực hiện theo hình thức hợp tác Nhà nước – doanh nghiệp hoặc thuê dịch vụ, cụ thể là: Hệ thống quản lý, theo dõi chương trình công tác của Chính phủ (do Văn phòng Chính phủ chủ trì); Mạng thông tin điện tử phục vụ trao đổi thông tin giữa Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước (Văn phòng Chính phủ); Mở rộng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên Internet (Văn phòng Chính phủ); Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ (Bộ TT&TT); Hệ thống thư điện tử quốc gia (Bộ TT&TT).
Theo Ictnews.vn