|
Sắp tới, các công ty mua sắm theo nhóm có thể phải có một khoản thế chấp hoặc mua bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có sự cố. Ảnh: Internet |
Người tiêu dùng dè dặt hơn khi mua hàng theo nhóm
Ngày 13/11/2012, HĐQT Công ty Nhóm Mua đã đưa ra thông cáo báo chí về việc bổ nhiệm ông Kyle Phạm vào chức vụ Giám đốc Điều hành mới của công ty thay cho Giám đốc điều hành cũ là ông Tom Trần đang đi du lịch ở nước ngoài và quyết định này có hiệu lực tức thì. Sau đó, Nhóm Mua đã ra thông báo ngừng hoạt động với lý do để bảo đảm tính an toàn, bảo mật của hệ thống dữ liệu. Đến 11/12, Nhóm Mua một lần nữa ra thông báo tương tự mà không hề báo trước trên website bán hàng.
Vậy là chỉ trong vòng 1 tháng, Nhóm Mua đã tạm ngưng hoạt động tới 2 lần và nhiều cửa hàng từ chối thanh toán các phiếu mua hàng của Nhóm Mua, gây hoang mang cho người sử dụng. Sự việc chỉ lắng xuống khi ngày 24/12, Công ty Nhóm Mua chính thức thông báo hoạt động trở lại sau quãng thời gian tạm ngừng hoạt động để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống nhân sự và cho đến nay chưa xảy ra thêm bất kỳ sự cố nào.
Ngoài ra, cuối tháng 11/2012, sau khi bị gần 20 đối tác đến tận trụ sở công ty đòi nợ, Dealsoc - một trang web mua sắm theo nhóm khác cũng ra tuyên bố tạm ngừng hoạt động do mâu thuẫn nội bộ.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Vatgia, đơn vị sở hữu trang web cucre.vn cho biết, sau sự cố Nhóm Mua, tạm thời các trang web mua sắm theo nhóm sẽ chưa đi xuống vì giả sử Nhóm Mua đóng cửa toàn bộ thị phần của họ sẽ được chia đều cho các công ty đang hoạt động.
Còn đại diện Hotdeal cho biết, dù sự cố của Nhóm Mua là một sự kiện mang tính chất “nội bộ” nhưng với vị trí và sức ảnh hưởng của Nhóm Mua, thị trường mua sắm theo nhóm đã gặp không ít chấn động. Hậu quả là người tiêu dùng sụt giảm niềm tin và dè dặt hơn khi mua hàng từ những trang web có mô hình tương tự. Nghiêm trọng hơn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị mất lòng tin và không đầu tư nữa vào các trang TMĐT đang trong thời kỳ “trứng nước” của Việt Nam. “Nhóm Mua đã có một pha sẩy chân đáng tiếc dẫn đến phản ứng của người tiêu dùng và kèm theo đó là sự phản đối lây lan đến các thương hiệu TMĐT hàng đầu, trong đó có Hotdeal”, vị này cho biết thêm. Tuy nhiên, Hotdeal đã nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và chăm sóc khách hàng nên vẫn kiểm soát được doanh thu hàng tháng không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự cố của Nhóm Mua.
Theo một chuyên gia về TMĐT, sự cố của Nhóm Mua đã ảnh hưởng trực tiếp đến 3 đối tượng chính, gồm người tiêu dùng, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm và nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cảm thấy hoang mang, nghi ngại khi tham gia hợp tác với các website bán hàng theo nhóm. Với người tiêu dùng, những rào cản về mặt tâm lý khi mua hàng trực tuyến trước đây đã giải quyết được phần nào nhờ sự “bùng nổ” của mô hình mua sắm theo nhóm thì sự cố Nhóm Mua đã khiến họ quay trở lại cảm giác e dè khi mua hàng qua mạng; hệ quả là sức mua trên các trang web giảm 10-20%. “Thời gian tới, nếu có nhu cầu thì khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng nhưng sẽ không còn mua sắm nhiều như trước”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ e ngại khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, khi “cánh chim đầu đàn” của thị trường mua sắm theo nhóm gặp sự cố thì các trang web theo mô hình tương tự sẽ thiếu đi một đối trọng lớn để ganh đua và từ đó phát triển hơn.
Thị trường mua sắm theo nhóm đã qua thời kỳ "sốt"
Theo đại diện Hotdeal, do thị trường mua sắm theo nhóm tại Việt Nam đã qua thời ký “sốt” nên Hotdeal cũng như các trang web khác đã bắt đầu chuẩn bị cho những sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới, trước mắt là củng cố niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ. “Năm 2013 sẽ là một năm đầy sóng gió cho mô hình mua sắm theo nhóm và có thể sau một vài sự cố khác thì chỉ còn lại một số thương hiệu lớn tồn tại thay vì nở rộ như thời gian trước”, đại diện Hotdeal khẳng định.
Cũng theo ông Điệp, mô hình mua sắm theo nhóm đang dần ở mức bão hòa và phải chuyển biến sang những mô hình kinh doanh phù hợp hơn. Chẳng hạn như với Cucre, đơn vị này đã chuyển hướng kinh doanh cách đây hơn 1 năm, trở thành website mua bán hàng hoá giá rẻ với hàng nghìn loại hàng hoá khác nhau chứ không phải là trang web bán hàng theo nhóm như trước.
Website bán hàng theo nhóm phải thế chấp hoặc mua bảo hiểm khi đăng ký
Ông Điệp cho rằng, cả người tiêu dùng lẫn những đơn vị cung cấp dịch vụ đều bị thiệt thòi trong các vụ Nhóm Mua, Dealshoc. Các đối tượng này cũng phải chịu rủi ro rất lớn tại nhiều trang web khác đang vận hành theo mô hình tương tự vì có thể những website này do cạnh tranh quá khốc liệt nên hết vốn và đang tiêu lẹm vào tiền của cả người tiêu dùng lẫn các nhà cung cấp. "Do chúng ta chưa có luật nào để kiểm soát mô hình này nên theo tôi, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nhà cung cấp thì phải yêu cầu các trang web bán hàng theo nhóm đặt cọc tiền và thanh toán hàng ngày nhằm giảm thiểu rủi ro", ông Điệp nói.
Vị chuyên gia về TMĐT cũng tán thành rằng, đã đến lúc Bộ Công thương và các đơn vị quản lý cần đưa ra những quy định quản lý mô hình mua sắm theo nhóm để “sàng lọc” bớt việc mở ra ồ ạt quá nhiều trang web. Ngoài ra, do thị trường TMĐT Việt Nam đi sau so với thế giới nên cơ quan quản lý có thể tham khảo các nước khác, từ đó định hướng trước và đưa ra những quy định để quản lý từ đầu các mô hình mới thay vì để đến khi gặp sự cố mới vội vàng bổ sung quy định như trường hợp của Muaban24 hay Nhóm Mua.
Trả lời trên các phương tiện truyền thông, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết. bên cạnh việc các trang web theo mô hình mua sắm nhóm phải đàm phán chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo quyền lợi cho người mua hàng, Cục đang xem xét để đưa vào dự thảo Nghị định mới về TMĐT những biện pháp yêu cầu các công ty mua sắm theo nhóm phải có một khoản thế chấp hoặc mua bảo hiểm khi đăng ký mở mô hình này nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Dự thảo Nghị định về TMĐT dự kiến được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2013.
Theo Ictnews.vn