|
Khám chữa bệnh từ xa sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ và tăng khả năng được chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, ngành y tế phải nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện tuyến dưới thông qua các hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật; tư vấn khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống CNTT.
Các bệnh viện phải tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, trước mắt tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ của các bệnh viện đang có công suất sử dụng giường bệnh quá cao.
Thực tế thời gian qua, các bệnh viện lớn ở Việt Nam đều có hiện tượng quá tải, thậm chí tới 300% so với quy mô thiết kế ban đầu. Một trong những nguyên nhân là 80% nhu cầu khám chữa bệnh tập trung tại địa phương, trong khi 80% nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại tập trung tại Trung ương, dẫn đến tình trạng ùn ùn chuyển tuyến trên để khám chữa bệnh. Sự quá tải dẫn tới một trong những hệ lụy là hàng năm có tới 600.000 bệnh nhân trong tổng số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện.
Một số bệnh viện đã triển khai ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), theo đó, người bệnh chỉ cần đến các điểm khám chữa bệnh ở địa phương có kết nối ứng dụng hội nghị truyền hình với các bác sĩ ở bệnh viện Trung ương là sẽ được chẩn đoán và đưa ra những đơn thuốc hiệu quả, không cần thiết phải tốn kém chi phí đi lại, và không phải chịu cảnh chen lấn, xếp hàng tại các bệnh viện Trung ương.
Tuy nhiên, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa vẫn mang tính đơn lẻ, tự phát. Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020 được đánh giá là “động lực kích thích” hoạt động triển khai khám chữa bệnh từ xa trên phạm vi cả nước. Đề án đặt mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, không để người bệnh phải nằm ghép giường bệnh, phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
Theo Ictnews.vn