Bộ Công Thương vừa ban hành Thông báo số 301 bãi bỏ Thông báo số 197 về việc chỉ được nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động qua đường biển nhằm cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thông báo này có hiệu lực từ đầu năm 2013.
Theo thông báo số 197, từ 1/6/2011, các doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu đối với 3 nhóm mặt hàng gồm điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu sẽ phải xuất trình thêm giấy chỉ định, hoặc ủy quyền của nhà phân phối, hãng sản xuất... Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, 3 mặt hàng này chỉ được phép nhập khẩu, làm thủ tục và thông quan tại 3 cảng biển quốc tế lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM.
|
Quy định siết nhập khẩu điện thoại bị bãi bỏ. Ảnh: Anh Quân |
Sau khi thông báo 197 đưa ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định của Bộ Công Thương là một trong những rào cản rất lớn khiến những dòng sản phẩm trên càng khó có cơ hội về thị trường. Một đơn vị chuyên về nhập khẩu các dòng sản phẩm smartphone nhận định hiện nay số lượng hàng nhập khẩu về thị trường mỗi đợt chỉ khoảng nghìn chiếc. Số lượng nhỏ hàng hóa này không đủ một container song doanh nghiệp vẫn phải thuê cả một container nên chi phí tốn kém. Chưa kể, thời gian trên biển thường kéo dài ít nhất 30-45 ngày, trong khi vận chuyển bằng đường hàng không chậm nhất cũng chỉ khoảng một tuần.
Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp, cuối tháng 8/2012, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị loại bỏ thông báo 197 về hạn chế nhập khẩu điện thoại di động, rượu và mỹ phẩm... Hải quan cho rằng, khi hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trên thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và hạn chế việc chống gian lận thương mại, buôn lậu trốn thuế. Tổng cục hải quan nhấn mạnh, việc nới lỏng các chính sách xuất nhập khẩu cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng sẽ góp phần kích cầu đầu tư tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2012, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt 4,722 tỷ USD.
Theo Baomoi.com