Giao diện mới của Ubuntu có tính tương tác cao và sử dụng “gesture” để truy cập nhanh các ứng dụng. Tuy nhiên, cảm giác thiếu mượt mà và thỉnh thoảng “lag” một chút khiến chúng ta bắt đầu băn khoăn.
2014 là quãng thời gian chờ đợi quá dài
Nói về thời điểm ra mắt chính thức của hệ điều hành này cũng được đặt một dấu hỏi lớn. Canonical cho biết các thiết bị chạy Ubuntu sẽ không có mặt trước năm 2014. Quãng thời gian chờ đợi thực sự quá dài và làm chúng ta chợt liên tưởng đến những “bom xịt” trong quá khứ.
Đơn cử, hệ điều hành webOS của Palm đã gây ấn tượng mạnh khi tham dự triển lãm CES 2009, nhưng tiến độ hoàn thiện rất "ì ạch". iOS của Apple và Android của Google khi đó cũng mới “chập chững” nhưng đã chớp thời cơ rất nhanh để chiếm lĩnh thị phần. Hay như MeeGo Harmattan, được cho là thành tựu lớn nhất của nhóm phần mềm Nokia, cũng bị “ruồng bỏ” vì không có khả năng cạnh tranh. Cả hai hệ điều hành webOS và MeeGo đều có những mặt tích cực khi công bố nhưng lại vô cùng chậm chạp trong việc tiếp cận thị trường và buộc phải nhận “trái đắng”.
Chúng ta có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng từ 2 hệ điều hành “xấu số” của Palm và Nokia trên giao diện người dùng của Ubuntu. Và bên cạnh đó, Ubuntu cũng truyền tải rất nhiều tham vọng đến từ Canonical. Nhưng lộ trình phát triển dài và không có một mốc xác định làm cho nhiều người dùng không thực sự tin tưởng vào dự án này.
Tiềm năng nhưng cần bứt tốc
Hiện tại Ubuntu vẫn chưa xuất hiện trên máy tính bảng, nhưng tương lai Canonical khẳng định sẽ hoàn thành “hành trình” mang hệ điều hành nhân Linux lên cả điện thoại, máy tính bảng, máy tính để bàn và TV. Ông Mark Shuttleworth, người sáng lập Canonical cho biết: “Ubuntu sẽ trở thành hệ điều hành mã nguồn mở duy nhất trải rộng trên tất cả các nền tảng máy móc, đảm bảo một hệ sinh thái ứng dụng thống nhất và khả năng tương thích đa thiết bị”.
Shuttleworth đang cố gắng tạo nên một niềm tin nhằm thuyết phục không chỉ các nhà đầu tư mà còn cả các nhà phân phối chú ý tới nền tảng Ubuntu. Nếu không thể tạo được một cộng đồng người dùng đông đảo và thu hút các nhà phát triển ứng dụng để tạo nên hệ sinh thái đủ lớn, dù sở hữu nhiều tính năng ưu việt đến đâu, Ubuntu cũng sẽ thất bại.
Android giờ đây đang trở nên cực kỳ “hùng mạnh” và các thiết bị này đang có xu hướng giảm giá gần như ngang với dòng điện thoại feature phone. Bên cạnh đó, Google, cha đẻ của Android là công ty có tính sáng tạo gần như không giới hạn. Vì vậy, trong thời điểm này, cơ hội thành công cho những hệ điều hành nhỏ ngày càng bị thu hẹp trước sức phát triển quá nhanh của Android. Nếu còn chần chừ và bắt người dùng chờ đợi hơn 1 năm nữa, khả năng soán ngôi iOS và Android của Ubuntu là không hề được đánh giá cao.