Đến nay, ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân Money Lover của Ngô Xuân Huy đã có mặt trên kho ứng dụng Google Play được 1,5 năm với 600.000 lượt tải và trên iOS một năm với con số khiêm tốn hơn khoảng 40.000 lượt. 2% trong số này được tải theo dạng trả phí với giá 5 USD một lần. Như vậy, sau 1,5 năm phát triển và cung cấp ứng dụng, Ngô Xuân Huy đã thu được 35.000 USD (khoảng 730 triệu đồng) từ Money Lover – số tiền mà bất kỳ một nhà lập trình ứng dụng độc lập nào đều mong đạt được. Thành công của anh cũng là câu trả lời cho băn khoăn của nhiều sinh viên CNTT theo đuổi con đường lập trình ứng dụng di động: đây thực sự là mảnh đất giàu tiềm năng.
|
Ngô Xuân Huy, tác giả ứng dụng Money Lover say sưa nói về kế hoạch chinh phục hàng chục triệu người dùng với ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân Money Lover phiên bản mới. Ảnh: Hải Mỹ. |
Huy cho biết ý tưởng làm Money Lover xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân. Mặc dù trên thị trường có rất nhiều ứng dụng liên quan đến ghi chép tài chính nhưng hầu hết đều dành cho những người có nhu cầu chi tiêu lớn, trong khi Huy muốn có thể thường xuyên ghi chép các khoản chi tiêu lặt vặt hàng ngày với giá trị rất nhỏ như một cốc trà đá. Sau một tháng tự phát triển, Huy đã có sản phẩm để dùng cho bản thân đồng thời đưa lên Google Play để chia sẻ miễn phí cho những người sử dụng thiết bị Android khác.
Ý tưởng của Huy đã đánh trúng nhu cầu của số đông người tiêu dùng phổ thông. Trên Google Play, ứng dụng được nhiều người dùng đánh giá tốt với xếp hạng chung 4,5 sao. Trần Quốc Tuyến, một người sử dụng thiết bị Android, cho rằng Money Lover rất thân thiện, quản lý tài chính - chi tiêu cá nhân rất hay. Còn người dùng Hyo Jea Song đánh giá cao tính tiện dụng của phần mềm.
Huy bộc bạch, để có được phiên bản đáp ứng được mọi nhu cầu của mọi người, anh đã trả lời hầu hết các comment hay email gửi đến, kể cả các ý kiến ngây ngô nhất. Nhưng nhờ đó, anh có sự tương tác với người dùng để hiểu họ tốt nhất, cũng như nhận được sự giúp đỡ chân tình từ chính người sử dụng. Từ việc dùng thử, họ đã liên tục gửi các góp ý về cho Huy, có những góp ý dài tới hai trang A4 với những nhận xét rất chi tiết. Thậm chí, có người còn giúp Huy làm các biểu tượng cho phù hợp với văn hóa, tiền tệ của đất nước họ hay giúp Huy dịch sang ngôn ngữ quốc gia đó. “Nhờ sự đóng góp của người dùng, đến nay, Money Lover đã có 35 ngôn ngữ khác nhau”, Huy cho biết.
Ông Nguyễn Duy Hiến, phụ trách Marketing Công ty Appota, đơn vị chuyên phân phối ứng dụng di động đánh giá 2% người dùng chấp nhận trả phí là tỷ lệ khả quan. Trên thế giới, những ứng dụng đạt tỷ lệ 3 đến 5% trả phí được coi là rất cao và không có nhiều phần mềm như thế. "Ngoài tính hữu ích, dễ sử dụng, Money Lover còn có cái tên rất hay, đây là yếu tố quan trọng khi tiếp cận người dùng", ông Hiến nhận định.
Riêng với Huy, anh tự thấy đó là một sự may mắn vì Money Lover phải sau một năm xuất hiện trên Google Play mới thực sự hoàn thiện nhưng đã được người dùng đón nhận từ những phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, với Huy, những gì đã đạt được giống như một cuộc chơi nghiệp dư, anh đang tập trung cho cuộc đua chuyên nghiệp trong sân chơi này với kế hoạch cho sản phẩm mới cũng về quản lý tài chính cá nhân nhưng hướng đến mục tiêu hàng chục triệu người dùng với cách tiếp cận bài bản hơn.
|
Giao diện đơn giản của Money Lover lại là ưu điểm của ứng dụng này bởi tính dễ sử dụng. |
Trong giới chơi game nhiều người biết đến Huy với vai trò sáng lập hai diễn đàn game4v.vn và pes.vn. Anh cũng từng làm việc bán thời gian cho nhiều công ty CNTT lớn của Việt Nam, thậm chí, có thời điểm thời gian đi làm còn nhiều hơn đi học. Dù vậy, Huy đã rất nỗ lực để hoàn thiện cả hai việc một lúc và kết quả mang lại là những kinh nghiệm vô cùng quý trong nghề lập trình. Hiếm có sinh viên nào vừa tốt nghiệp như Huy nhưng đã có cơ hội va chạm và giải quyết những bài toán lớn về hệ thống, về tập người dùng. Ngoài ra, công việc cũng giúp Huy có được các mối quan hệ trong cộng đồng để giúp anh dùng thử, phát tán và đánh giá sản phẩm.
Say mê kinh doanh từ nhỏ với sở thích đọc các sách về kinh tế, khởi nghiệp, nhưng Huy cho biết dù làm quản trị, tự mình vẫn phải trực tiếp phát triển phần lõi sản phẩm. Anh tâm đắc với quan điểm “done better than perfect” (tạm dịch: hoàn thiện tốt hơn hoàn hảo) của CEO Facebook, nghĩa là, các sản phẩm sẽ liên tục cập nhật thay vì đầy đủ các tính năng ngay từ đầu. Điều này anh rút ra được từ những dự án phát triển game trước đây với tham vọng game phải có nhiều tính năng ngay từ khi ra mắt. Điều này khiến game khó chơi, không thân thiện với số đông. Trong khi đó, nếu vừa phát triển, vừa lắng nghe, người dùng sẽ có những sản phẩm gần gũi hơn với họ. Đó cũng là một phần lý do khiến Money Lover có được kết quả như trên.
Theo Sohoa.vnexpress.net