|
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án Nước mạnh, nhiều địa phương vẫn lúng túng không biết phải làm gì và lấy đâu ra tiền để làm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Đã có chủ trương lớn
Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010 kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước; ứng dụng hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Đề án cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển CNTT-TT của địa phương mình phù hợp với các nội dung của Đề án.
Về nguồn vốn, Đề án xác định thực hiện đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động CNTT-TT. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp sẽ ưu tiên cho những dự án phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT trực tiếp phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các chương trình, dự án quy hoạch, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xây dựng hạ tầng các khu CNTT tập trung; những dự án đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo quy hoạch, kế hoạch; hỗ trợ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT. Mặt khác, còn huy động thêm nguồn vốn ODA, vốn tín dụng, các nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội,..
Nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể
Tuy nhiên, đến giờ rất nhiều địa phương vẫn chưa biết mình phải làm gì hoặc nên làm gì để góp phần hiện thực hóa Đề án nêu trên.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT diễn ra chiều 24/12/2012, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết đến giờ các địa phương rất cần được hướng dẫn cụ thể hơn là họ sẽ làm thế nào để góp phần đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Không chỉ riêng Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng thấy băn khoăn, lúng túng khi Đề án với bản chất là một văn bản định hướng chiến lược chỉ nêu định hướng chung, còn những hoạt động cụ thể thì chưa có hướng dẫn từ phía Bộ TT&TT. Một vấn đề "đau đầu" nữa là tìm đâu nguồn vốn để triển khai Đề án Nước mạnh?
Theo ông Hồ Quang Bửu, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam: "Lâu nay chúng ta nói nhiều về "Nước mạnh" nhưng quá trình triển khai ở một số tỉnh thành khó thành công vì nguồn lực ở địa phương hạn chế và kinh phí hàng năm dành cho CNTT còn ít”.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở TT&TT Sơn La Hà Văn Giang nhấn mạnh: "Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều chương trình, dự án liên quan tới việc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Tuy nhiên, các tỉnh rất khó thực hiện. Vừa rồi Hà Nội đưa ra Chương trình mục tiêu về CNTT-TT đến năm 2015, trong đó đề xuất kinh phí tới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các tỉnh khác như Sơn La rất khó làm được như vậy. Đặc biệt, các tỉnh miền núi thì đề xuất 1 tỷ đồng cũng khó được duyệt. Đề nghị Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ có chính sách, chiến lược giúp các tỉnh miền núi, đặc biệt các tỉnh chưa có khả năng cân đối kinh phí trong việc triển khai hoạt động CNTT-TT”.
Ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng cũng bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT sớm có hướng dẫn về kinh phí triển khai Đề án Nước mạnh, trong đó nêu rõ bao nhiêu phần trăm trong tổng số vốn sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương phải chuẩn bị bao nhiêu phần trăm vốn đối ứng.
Hiện các địa phương vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa thấy có sáng kiến hoặc gương điển hình nào về việc khai thác các nguồn vốn khác như ODA, vốn tín dụng, các nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội... được công bố tại Hội nghị.
Ở góc độ Bộ quản lý chuyên ngành TT&TT, dù rất hiểu những khó khăn, vướng mắc của các địa phương song cũng không thể giải quyết thỏa đáng "một sớm một chiều". Bởi bản thân Đề án Nước mạnh cũng không có cơ chế tài chính và nguồn kinh phí riêng, từ đó phát sinh một số vướng mắc trong quá trình triển khai cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương.
Để triển khai một số nội dung thuộc Đề án Nước mạnh, Bộ TT&TT đã đăng ký vốn cho các nhiệm vụ, dự án triển khai Đề án năm 2012 với tổng kinh phí là 55,43 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình chờ phê duyệt cũng khá gian nan, nhiều nhiệm vụ, dự án chưa được cấp vốn bởi một số lý do như: sở cứ nào để xác định nhiệm vụ, dự án này thuộc Đề án Nước mạnh; nội dung, định mức chi cụ thể ra sao...
Đồng cảm với những lo lắng, băn khoăn từ các Sở TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ: "Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT vào năm 2020 đã có quyết tâm triển khai từ Chính phủ và cấp cơ sở nhưng nguồn lực, nguồn vốn không đáng kể, không cẩn thận thì sẽ chỉ có chương trình chiến lược chung trên giấy tờ". Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hỗ trợ để báo cáo Chính phủ tạo nguồn lực hơn nữa để Bộ TT&TT có kế hoạch, đảm bảo biến chủ trương lớn thành hiện thực.
Theo Ictnews.vn