|
Theo các đại biểu, cần sớm ban hành chuẩn kỹ năng về đào tạo CNTT - TT |
Những vấn đề xung quanh công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT vừa được đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo đào tạo nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT giai đoạn 2013 – 2015, do Bộ TT&TT phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức tại Công viên Phần mềm Quang Trung ngày 19/12. Tham dự hội thảo có ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cùng đại diện các ban ngành tại TP.HCM và đại diện các Sở TT&TT phía Nam.
Còn quá nhiều vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực
Bàn về tổng quan nguồn nhân lực CNTT – TT tại TP.HCM giai đoạn 2008 – 2012, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, việc đào tạo nhân lực cho CNTT – TT ở TP.HCM đang rất khó khăn. Theo kết quả khảo sát của thành phố, cũng như thông tin từ các đơn vị đào tạo, trong những năm gần đây, lượng học sinh tốt nghiệp đăng ký thi tuyển vào ngành CNTT bắt đầu giảm dần và do đó kết quả tuyển sinh đầu vào của ngành CNTT cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, việc chưa xác định được hệ thống nghề và các chuẩn đào tạo CNTT cũng khiến các trung tâm đào tạo CNTT phát triển mạnh, nhưng chất lượng đào tạo lại không đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động. Ngoài ra, còn có các khó khăn khác như chưa có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo CNTT; các cơ sở đào tạo vẫn chưa quan tâm đến việc tìm hiểu về nhu cầu lao động CNTT của các doanh nghiệp mà chỉ đào tạo theo số lượng chỉ tiêu từ trên giao xuống hoặc do nhu cầu của người lao động đăng ký theo học.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT cùng chung quan điểm, khi ông cho biết, theo thống kê của Hội Tin học TP.HCM (HCA) trong năm 2012, doanh thu của các đơn vị đào tạo CNTT như Aptech, NITT suy giảm trung bình 20%/năm trong 3 năm trở lại đây do sinh viên theo học ngày càng giảm. Đào tạo chính quy về CNTT chỉ tuyển được 85% chỉ tiêu, điểm sàn vào học CNTT giảm dần. Một số công ty lớn như FPT Software rất vất vả trong việc tuyển nhân viên số lượng lớn. Nhà nước còn thiếu chính sách phù hợp, không tạo được sức hấp dẫn cho ngành CNTT. Chất lượng các cơ sở đào tạo chưa cao, chưa định hướng nghề nghiệp và quốc tế hóa, đầu ra không đủ kỹ năng làm việc và phía doanh nghiệp gắn kết với cơ sở đào tạo còn yếu.
Ngoài việc đồng tình với các ý kiến nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết thêm, việc đào tạo nhân lực CNTT ở Việt Nam còn làm nháo nhào, không theo tiêu chuẩn nào, vấn đề sinh viên CNTT ra trường không có việc làm là do chất lượng đào tạo. Theo ông, nhiều trường đại học dân lập ở nước ta không đủ điều kiện để đào tạo, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giảng viên có trình độ cao, nhưng cứ xin chỉ tiêu đào tạo và Bộ GD&ĐT vẫn cứ cho. Điều đó khiến cho hàng chục ngàn sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi đó tại các trường trọng điểm về CNTT như Đại học Bách khoa, Đại học Tự thiên, Đại học Công nghệ… sinh viên ra trường là có việc làm ngay, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nước trong khu vực. Nhưng thực tế số lượng sinh viên được đào tạo trong hệ thống chính quy rất ít, 7 trường chỉ khoảng 2100 sinh viên.
Cần có tiêu chuẩn kỹ năng đào tạo CNTT-TT
Bên cạnh việc đề nghị cần có những chính sách hợp lí hơn về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, doanh nghiệp và nhà trường cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn, theo các đại biểu dự hội thảo, việc quan trọng cần làm trước mắt đó là ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng đào tạo CNTT – TT.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình và ông Lê Thái Hỷ, việc ban hành chuẩn kỹ năng đào tạo CNTT – TT là vấn đề cấp bách và cần thiết, để các cơ sở đào tạo dựa theo đó mà đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho ngành CNTT – TT, chấm dứt tình trạng hiện nay là sinh viên ra trường nhiều nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến một số lượng lớn không có việc làm.
Vấn đề này cũng được Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai nhấn mạnh khi phát biểu tại hội thảo. Theo đó, Thứ trưởng đánh giá việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay đúng là đang quá tràn lan, đào tạo nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Vì thế, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ CNTT hoàn thiện để ban hành sớm những cơ chế chính sách có thể để phục vụ cho sự phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt cần ban hành ngay bộ tiêu chuẩn về kỹ năng đào tạo CNTT – TT, để đảm bảo đầu ra từ các cơ sở đào tạo là nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng được đầu vào ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…
Theo Ictnews.vn