|
Phương thức đặt hàng qua mạng dần phổ biến tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2012 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) xây dựng vừa được công bố tại TP.HCM cho thấy một số chuyển biến tích cực trong hiện trạng phát triển TMĐT tại Việt Nam.
Có 42% trong tổng số 3.193 doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết đã xây dựng website riêng, 11% doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng website trong năm 2012. Phần lớn doanh nghiệp đã quan tâm cập nhật thông tin trên website một cách thường xuyên.
So với Báo cáo TMĐT năm 2011 được Cục TMĐT & CNTT Bộ Công Thương công bố hồi tháng 5/2012 thì số lượng doanh nghiệp có website đã tăng hơn 10% (theo Báo cáo TMĐT năm 2011, cả nước chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp lập website có tính năng TMĐT từ đơn giản đến phức tạp).
Cũng theo Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2012, 11% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết đã tham gia các sàn TMĐT. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm 90% doanh nghiệp sử dụng chuyển khoản, 7% dùng ví điện tử, 19% dùng thẻ thanh toán, 4% thẻ cào.
Tỷ lệ các doanh nghiệp chấp nhận đặt hàng qua website là 29%, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 28% và những doanh nghiệp lớn là 37%. Các phương thức chấp nhận đặt hàng trực tuyến khác được sử dụng gồm qua điện thoại (86%), fax (71%), email (70%).
Có 33% doanh nghiệp đã đặt hàng qua website, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 32% và doanh nghiệp lớn là 41%. Các phương thức đặt hàng trực tuyến khác gồm qua điện thoại (88%), fax (66%), email (68%).
Hầu như tất cả doanh nghiệp tham gia điều tra đã có máy tính, trong đó 52% doanh nghiệp có dưới 10 máy tính, 21% doanh nghiệp có từ 11 - 20 máy tính. Số doanh nghiệp có từ 21 máy tính trở lên chỉ chiếm 27%. Gần như tất cả các doanh nghiệp đã kết nối Internet băng thông rộng, hình thức kết nối phổ biến nhất là ADSL với tỷ lệ lên tới 77% số doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Về các biện pháp an toàn bảo mật thông tin, 57% doanh nghiệp dùng tường lửa, 83% dùng phần mềm diệt virus, 23% dùng phần cứng, 23% dùng chữ ký số, chứng thực số. Trung bình doanh nghiệp đã dành 41% kinh phí đầu tư cho phần cứng, 26% cho phần mềm. Chi phí cho đào tạo và các hoạt động khác chiếm tỷ lệ tương ứng là 18% và 15%.
Có 51% doanh nghiệp đã có cán bộ chuyên trách về CNTT và TMĐT. Những ngành có cán bộ chuyên trách cao nhất là giải trí (68%), giáo dục và đào tạo (63%) và tài chính (61%).
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trên 50%) đang cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Số liệu này phản ảnh thực tế doanh nghiệp lớn ở Việt Nam phần nhiều là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giày, cơ khí…
Theo Ictnews.vn